Archive for the ‘Vụ Vinashin’ Category

“Hấp hối” vì trót đưa gần 300 tỷ cho Vinashin

“Hấp hối” vì trót đưa gần 300 tỷ cho Vinashin

Vinashin đã cầm gần 300 tỷ đồng tiền thanh toán chuyển nhượng cổ phần, nhưng không chịu thực hiện nghĩa vụ giao đất.

Dù đã thanh toán xong tiền đền bù cho việc di dời Nhà máy đóng tàu Đà Nẵng và thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất với Nhà nước, nhưng suốt mấy năm qua, Dự án Khu đô thị, thương mại và dịch vụ phía Bắc vịnh Mân Quang (Đà Nẵng) vẫn không thể triển khai vì Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) vẫn chưa chịu bàn giao đất, khiến chủ đầu tư dự án – Cty CP Đầu tư đô thị Vịnh Thuận Phước đứng bên bờ vực phá sản.
“Hấp hối” vì trót đưa gần 300 tỷ cho Vinashin

Khu vực đất Nhà máy đóng tàu Đà Nẵng còn chần chừ chưa được bàn giao, KĐT phía Bắc vịnh Mân Quang vẫn chưa thể rõ hình hài

Tiền trao…

Ngày 10/02/2010, UBND TP.Đà Nẵng ra Quyết định số 1268/QĐ-UBND thu hồi 926.181m2 đất tại phường Nại Hiên và Thọ Quang giao cho Cty Quản lý và khai thác đất Đà Nẵng quản lý để lập thủ tục chuyển quyền sử dụng đất cho Cty CP Đầu tư đô thị Vịnh Thuận Phước (sau đây gọi tắt là Cty Vịnh Thuận Phước) đầu tư xây dựng Khu đô thị, thương mại và dịch vụ phía Bắc vịnh Mân Quang.

Đồng thời, tại quyết định này, UBND TP. Đà Nẵng đã thu hồi và hủy bỏ Quyết định số 23809/QĐ-UB do UBND TP ban hành năm 2003 về việc thu hồi 322.012,00 m2 đất cho Nhà máy đóng tàu Đà Nẵng (thuộc Vinashin) thuê để xây dựng nhà máy đóng tàu. Phần đất của Nhà máy đóng tàu Đà Nẵng, Vinashin có trách nhiệm bàn giao cho Cty Vịnh Thuận Phước.

Trên cơ sở đó, ông Phạm Thanh Bình, khi đó là Chủ tịch Vinashin, đã ủy quyền cho ông Nguyễn Văn Bằng – Giám đốc Nhà máy đóng tàu Đà Nẵng “thay mặt Vinashin thực hiện việc bàn giao mốc giới. Ký kết hợp đồng đền bù giải phóng mặt bằng, ký kết hợp đồng chuyển nhượng 10% cổ phần  (lợi thế thương mại) tại Cty CP Đầu tư đô thị Vịnh Thuận Phước”.

Thực hiện Hợp đồng giải tỏa đền bù số 18/HĐ/GTĐB-2009 và các phụ lục hợp đồng do ông Nguyễn Văn Bằng – Giám đốc Nhà máy đóng tàu Đà Nẵng và ông Nguyễn Đình Chiến – Giám đốc Cty Vịnh Thuận Phước ký kết, đến nay, Cty Vịnh Thuận Phước đã thanh toán đúng tiến độ và đủ giá trị di dời giải tỏa đền bù Nhà máy đóng tàu Đà Nẵng (kể cả tiền thanh toán chuyển nhượng 1.500.000 cổ phần (lợi thế thương mại) cho Nhà máy đóng tàu Đà Nẵng) với  tổng số tiền 272 tỷ đồng. Hai bên cũng đã có biên bản đối chiếu công nợ rõ ràng.

… Đất không giao

Nghĩa vụ theo thỏa thuận đã được thực hiện xong, nhưng mỏi mòn chờ từ tháng 6/2011 đến giờ, Cty Vịnh Thuận Phước vẫn chưa được Vinashin bàn giao mặt bằng Nhà máy đóng tàu Đà Nẵng.

Trước sự dây dưa của Vinashin, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng đã có văn bản chỉ đạo Vinashin thực hiện việc di dời Nhà máy đóng tàu Đà Nẵng để bàn giao mặt bằng cho Cty Vịnh Thuận Phước. UBND TP Đà Nẵng cũng đã nhiều lần đề nghị Vinashin thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo của Phó Thủ tướng bàn giao mặt bằng cho Cty Vịnh Thuận Phước trong tháng 02/2013. Bộ Giao thông – Vận tải  cũng đã yêu cầu Vinashin thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải, báo cáo kết quả bằng văn bản trước ngày 28/02/2013.

Vậy nhưng, tất cả các chỉ đạo nói trên đều không được thực hiện, việc bàn giao mặt bằng chưa “nhúc nhích” thêm được một tý nào.

“Hơn 3 năm qua, kể từ khi có quyết định thu hồi đất, Cty CP Đầu tư đô thị Vịnh Thuận Phước đã chi ra 242 tỷ đồng để nộp tiền chuyển quyền sử dụng đất vào Ngân sách Nhà nước và 272 tỷ đồng tiền giải tỏa đền bù di dời Nhà máy đóng tàu Đà Nẵng, nhưng Vinashin không chịu bàn giao mặt bằng. Cty chúng tôi đã phải gánh chịu thiệt hại nặng nề về tiền lãi vay ngân hàng, chi phí nhân công, vật liệu xây dựng tăng giá và chính quyền Đà Nẵng thì không có khu tái định cư cho nhân dân” – ông Nguyễn Đình Chiến – Giám đốc Cty Vịnh Thuận Phước phàn nàn.

Theo H. Thủy – H. Linh
Pháp luật Việt Nam

3 điều cần làm rõ sau vụ bắt giữ anh em ông Dương Chí Dũng

Thứ Ba, 26/02/2013 – 07:58

3 điều cần làm rõ sau vụ bắt giữ anh em ông Dương Chí Dũng

(Dân trí) – “Điều mà tôi quan tâm nhất từ trước tới nay: Ai là người cung cấp tin cho Dương Chí Dũng trốn? Dũng đã nói gì để Trọng có đủ tự tin góp tay vào quá trình tổ chức chạy trốn cho anh?”.
 >> Bi kịch gia đình mang tên Dương Chí Dũng
 >> Vụ Dương Chí Dũng bỏ trốn: Khởi tố Phó phòng PC 45 CATP Hải Phòng

Ai báo tin cho Dương Chí Dũng?

Trao đổi với phóng viên Dân trí, luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nói: “Trong trí nhớ của tôi, từ năm 1975 trở lại đây, cũng có những trường hợp bỏ trốn nhưng họ là những doanh nhân chứ chưa có người nào là quan chức ở cương vị tầm cỡ như Dương Chí Dũng. Đây là trường hợp đặc biệt đầu tiên. Nhưng việc bắt giữ Dương Chí Dũng, Dương Tự Trọng chưa phải là cách kết thúc câu chuyện. Đó chỉ là bước khởi đầu cho những câu chuyện khác, lớn hơn, xuất phát từ yêu cầu của dư luận”.

PV: Cụ thể là gì, thưa ông?

Luật sư Trần Quốc Thuận: Có 3 điều cần làm rõ sau vụ bắt giữ anh em ông Dương Chí Dũng, Dương Tự Trọng. Thứ nhất: Điều mà tôi quan tâm nhất từ trước tới nay là tại sao Dương Chí Dũng biết tin mình bị khởi tố và bị bắt để bỏ trốn. Vậy ai là người cung cấp tin cho Dương Chí Dũng trốn? Đó là điều cực kỳ quan trọng.

Đây là đối tượng có dấu hiệu tội phạm nghiêm trọng, có liên quan đến sự thất thoát tài sản vô cùng lớn, đối tượng như vậy đòi hỏi phải có sự quản lý, giám sát đặc biệt.

Thứ hai, dư luận đang đặt vấn đề, trước và ngay sau khi bỏ trốn, Dương Chí Dũng đã nói với em trai (ông Dương Tự Trọng – PV) mình phạm tội gì, tại sao ông Trọng có đủ tự tin mà bao che, thậm chí có thể tổ chức cho việc lẩn trốn của người anh. Trong khi, ông Dương Tự Trọng là người rõ hơn ai hết, ngành công an Việt Nam tài giỏi như thế nào và những việc sai trái này thì sớm muộn gì cũng bị phát hiện.

Nếu làm rõ được chuyện đó thì tự nhiên mọi thứ sẽ rõ ra hết.

Cần phải ghi nhận sự quyết tâm, cố gắng rất lớn của Bộ Công an trong việc bắt giữ Dương Chí Dũng, Dương Tự Trọng cùng các đối tượng có liên quan.
 
Nhưng cũng phải nhắc lại, đến giờ, vẫn còn một số đối tượng quan trọng trong vụ Vinashin đang lẩn trốn bên ngoài. Vụ án cực kỳ lớn như thế mà chúng ta bắt chưa hết các đối tượng có liên quan, làm dư luận lo nghĩ về những “cắt khúc” bị thất lạc, có khả năng che giấu các đầu mối của dấu hiệu tội phạm. Nếu bỏ sót chỉ một người thì kết quả công tác điều tra không thể nói đã kết thúc.
 
Phải tìm cho hết những ô còn thiếu đó, ráp lại thành một bức tranh hoàn chỉnh. Không thể “tiêu pha” số tiền lớn như thế mà chỉ lĩnh tội thiếu trách nhiệm.
 
Dư luận đăng đặt câu hỏi, tại sao thanh tra bao nhiêu lần tại Vinashin, Vinalines mà tìm không ra sai phạm nghiêm trọng.

Ông Trần Quốc Thuận

Cũng cần phải nói thêm, những người cùng với Dương Tự Trọng tổ chức những bước tiếp theo cho quá trình lẩn trốn của Dương Chí Dũng có thể được cung cấp thông tin nào đó để họ củng cố niềm tin cho việc làm phạm pháp đó. Dĩ nhiên, bên cạnh đó còn có yếu tố tình cảm, tiền bạc nhưng không phải tự dưng mà bao nhiêu người cùng kết hợp làm việc phạm pháp như thế.

Điều thứ ba, ông Dương Tự Trọng sau một thời gian giữ cương vị Phó Giám đốc CATP Hải Phòng, được điều về Bộ Công an rồi mới bị bắt. Theo tôi đó cũng là một sự chậm trễ và rất có thể dẫn đến sự xóa bỏ dấu vết, làm việc điều tra càng gặp nhiều khó khăn.

Ông đang nói tới nghi ngờ lộ, lọt thông tin từ phía cơ quan điều tra?

Không. Tôi muốn đặt ra khả năng có đối tượng nào đó biết thông tin, chủ động cung cấp thông tin cho Dương Chí Dũng biết mà trốn. Lọt thông tin và chủ động cung cấp thông tin là khác nhau về bản chất.

Theo thông tin báo chí thì một ngày trước đó Dương Chí Dũng vẫn đi làm bình thường. Không thể một đối tượng quan trọng như thế mà tự nhiên lặn mất tăm và đến bây giờ vẫn chưa biết thông tin tại sao Dương Chí Dũng biết mà chạy trốn.

Trách nhiệm trước Tổ quốc

Đến giờ này, nhiều người vẫn ngạc nhiên trước việc ông Dương Tự Trọng bị bắt. Bởi suốt mấy mươi năm công tác trong ngành công an, ông Trọng được ghi nhận là cán bộ có nghiệp vụ điều tra xuất sắc, rất có bản lĩnh. Ông nghĩ sao về điều này?

Việc Dương Tự Trọng góp tay vào quá trình tổ chức cho người anh trốn cho thấy sự xuống cấp về phẩm chất đạo đức, trách nhiệm công vụ của một người từng giữ cương vị khá cao trong Bộ Công an, từng đứng đầu cơ quan CSĐT tại một trong những địa phương lớn nhất cả nước.

Có câu rằng: “Thương em, anh để trong/Việc quan anh cứ phép công anh làm”. Phẩm chất của một quan chính trực là phải như vậy.

Việc một cán bộ từng hàng chục năm công tác trong ngành công an lại hành xử như vậy có thể do 3 lý do: vấn đề tình nghĩa, máu mủ rồi tiếp sau đó có thể là vấn đề tiền bạc. Nhưng lý do trước nhất, có thể ông Trọng được anh trai mình tiết lộ thông tin nào đó để có niềm tin, tham gia vào việc làm phạm pháp.

Nhiều người cho rằng, những phát lộ từ Vinashin, Vinalines mang lại bài học đau xót về công tác quản lý cán bộ?

Không nên đặt vấn đề quản lý cán bộ ở đây. Vấn đề cụ thể cần quan tâm, làm rõ ở đây là: chúng ta có làm đến nơi đến chốn, có truy được nguồn cơn gốc gác của vấn đề hay không. Cũng giống như củ sâm, phải đào hết cả rễ lên thì mới có giá trị. Đó là đòi hỏi thực hiện quyết liệt trách nhiệm trước nhân dân, Tổ quốc.

Cần thực hiện một cách triệt để như Nghị quyết trung ương 4 đã chỉ ra: Phải làm từ trên làm xuống, không phải từ dưới làm lên. Câu chuyện là như thế.

Xin cảm ơn ông!
P.H (thực hiện)

Bộ trưởng Thăng nhận trách nhiệm việc bổ nhiệm ông Dũng

Bộ trưởng Thăng nhận trách nhiệm việc bổ nhiệm ông Dũng

– Cuối cùng, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đã nhận trách nhiệm trong việc bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng làm Cục trưởng Hàng Hải: chưa thật sự sâu sát, còn nóng vội, chưa cân nhắc thận trọng.

 

Bộ trưởng CA: Kiểm điểm việc để Dương Chí Dũng bỏ trốn
Bộ Nội vụ nói về việc bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng
Đại biểu QH lên tiếng vụ bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng
‘Ông Dương Chí Dũng được bổ nhiệm đúng quy trình’

Dù vẫn nói như khi trả lời báo chí cũng như trả lời đại biểu QH qua văn bản cách đây ít ngày, rằng việc bổ nhiệm ông Dũng đã được Bộ GTVT thực hiện đúng quy trình, quy định về công tác quản lý cán bộ, bổ nhiệm cán bộ của Đảng, Nhà nước và đúng thầm quyền, nhưng Bộ trưởng Đinh La Thăng đã “xin nhận trách nhiệm về việc này”.

Phần giải trình của ông Đinh La Thăng cuối giờ chiều nay nằm trong phiên chất vấn Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang. Trước đó, ông Quang đã trả lời ĐB tỉnh Thái Nguyên Đỗ Mạnh Hùng về trách nhiệm để Dương Chí Dũng trốn thoát.

Clip Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng trả lời chất vấn. Nguồn: VTV

Câu hỏi ông Hùng dành cho Bộ trưởng Thăng là trách nhiệm của ông trong việc bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng vào vị trí quan trọng. “Dù Bộ trưởng đã gửi trả lời bằng văn bản nhưng tôi thấy không hài lòng. Trong 1 trang rưỡi trả lời, thì chỉ có 1 dòng rưỡi Bộ trưởng nhận trách nhiệm chưa cung cấp thông tin kịp thời cho báo chí”, ông Hùng nói.

Bộ trưởng GTVT khẳng định các bước bổ nhiệm “đều đảm bảo tính dân chủ, tập thể”, có đánh giá nhận xét của cấp ủy, chính quyền, nơi ông Dũng công tác và có sự bàn bạc tập thể và sự “thống nhất tuyệt đối” của ban cán sự đảng Bộ GTVT. Việc bổ nhiệm ông Dũng cũng không trái quy định luật Thanh tra.

Theo quy định của luật này, hoạt động thanh tra không cản trở ngoài hoạt động bình thường của tổ chức là đối tượng thanh tra, nhất là trong việc bổ nhiệm. Thanh tra Vinalines lần này là theo kế hoạch của Thanh tra Chính phủ, chứ không phải đột xuất hoặc theo vụ việc, đơn thư tố cáo.

“Tuy nhiên, ông Dũng đã bị khởi tố về hành vi vi phạm, khuyết điểm từ năm 2007, nên chúng tôi nhận thức rằng việc bổ nhiệm ông Dũng là trách nhiệm của tập thể Bộ GTVT. Với tư cách là Bí thư Ban cán sự, là Bộ trưởng, tôi xin nhận trách nhiệm về việc này. Đó là chưa thực sự sâu sát trong việc đánh giá, quản lý cán bộ, còn nóng vội, chưa cân nhắc thận trọng”, ông Thăng thừa nhận.

Ông cũng nói khuyết điểm của ông Dũng là từ 2007, nếu làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, công tác đánh giá cán bộ hàng năm thì cũng có thể phát hiện ra ông Dũng vi phạm khuyết điểm.

“Dù ông Dũng có được điều sang vị trí gì chăng nữa, nhưng khi phát hiện ông Dũng vi phạm khuyết điểm, vi phạm pháp luật thì phải xử lý nghiêm khắc theo quy định của pháp luật. Từ vụ việc này, chúng tôi xin được rút kinh nghiệm sâu sắc và kiểm điểm hết sức nghiêm túc trong việc đánh giá, quản lý cán bộ”.

Bộ trưởng GTVT cũng nêu các đề xuất với Chính phủ, các cơ quan có thẩm quyền:

Một, phải có sự phối hợp trao đổi thông tin giữa các cơ quan có liên quan, đặc biệt giữa các bộ với Thanh tra Chính phủ, cơ quan công an trong khi có vụ việc về thanh tra, việc liên quan bộ, ngành.

Hai, bổ sung các quy định của pháp luật là trong khi thanh tra một đơn vị, thì cần có quy định không được điều động, không được bổ nhiệm người đứng đầu đơn vị đó sang đơn vị khác.

Ông Thăng cho rằng nếu thực hiện như vậy “sẽ tránh được việc mặc dù làm đúng đầy đủ quy trình, thủ tục nhưng vẫn dẫn đến việc không tốt, đó là cán bộ chỉ sau vài tháng bổ nhiệm đã bị cơ quan công an khởi tố và ra lệnh bắt tạm giam”.

“Chúng tôi xin được nghiêm túc sâu sắc nhận khuyêt điểm việc này, chúng tôi đang thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, kiểm điểm trong tập thể ban cán sự Đảng bộ GTVT, kiểm điểm trách nhiệm của Bộ trưởng, cá nhân, đơn vị có liên quan để báo cáo Chính phủ trong thời gian sớm nhất”, Bộ trưởng khẳng định với QH.

Phương Loan – Xuân Linh

Chính phủ báo cáo QH sai phạm ở Vinalines

Chính phủ báo cáo QH sai phạm ở Vinalines

 

Báo cáo của Chính phủ cho hay, Vinalines bắt đầu thua lỗ từ 2011, nội bộ mất đoàn kết kéo dài.

>> Sai phạm Vinalines, Bộ không nắm được gì

Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng. Ảnh: Minh Thăng

Báo cáo về Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) của Chính phủ do Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng thừa ủy quyền ký vừa được gửi đến đại biểu Quốc hội.

Theo đó̉, trong giai đoạn dài, Vinalines đã “phát triển tốt”, như trước 2009, nhưng giai đoạn sau đó đến nay, đã có một số hạn chế, yếu kém.

Con số đưa ra cuối năm 2010 cho thấy, tỷ lệ nợ của Vinalines bằng 4,27 lần vốn điều lệ, hiệu quả kinh doanh giảm dần do tăng chi phí về lãi vay, chi phí quản lý và khối lượng lớn vốn đầu tư hiệu quả thấp.

Chính phủ xác nhận từ 2011, Vianlines bắt đầu hoạt động thua lỗ. 4 tháng đầu năm 2012 vẫn tiếp tục lỗ, tình hình tài chính của tổng công ty nhà nước này đang “rất khó khăn”. Nhiều dự án chậm tiến độ, công nợ lớn, số nợ lớn hơn nhiều so với vốn điều lệ.

Trong khi đó, báo cáo ghi nhận, nội bộ Vinalines mất đoàn kết kéo dài và sai phạm, tiêu cực trong quản lý sản xuất kinh doanh.

Lãnh đạo Vinalines đã không thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng và có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong việc đầu tư xây dựng nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam, gây thiệt hại về kinh tế, một số cán bộ quản lý bị khởi tố, bắt tạm giam ảnh hưởng xấu đến uy tín, hình ảnh của tổng công ty và DNNN.

Đánh giá các nguyên nhân, Chính phủ nêu những nguyên nhân chủ quân, trong đó nhìn nhận, công tác giám sát, hậu kiểm ở cấp bộ và tổng công ty trong thời gian vừa qua chưa được chú trọng, chưa hỗ trợ cho hoạt động điều hành và quản trị của toàn tổng công ty.

Trước những sai phạm của Vinalines do Thanh tra Chính phủ kiểm tra, giám sát, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ GTVT báo cáo, làm rõ trách nhiệm về việc chậm cập nhật, trình Thủ tướng quy hoạch phát triển ngành công nghiệp tàu thủy Việt Nam đến 2020, định hướng đến năm 2030.

Thủ tướng cũng đề nghị Bộ báo cáo trách nhiệm trong việc theo dõi, giám sát, kiểm tra đầu tư ụ nổi của dự án nhà máy sửa chữa tàu biển Vinalines phía Nam thuộc Tổng công ty.

L.Thư

TRẢ LỜI CHẤT VẤN: BT KHĐT: “Sai phạm Vinalines, Bộ không nắm được gì”

Sai phạm Vinalines, Bộ không nắm được gì

 

Bộ trưởng KHĐT Bùi Quang Vinh than phiền, thực sự ở sai phạm Vinalines, Bộ không nắm được, vì họ không báo cáo bộ quản lý. Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ cũng tự tin: “Kết luận thanh tra không có câu nào nói đến trách nhiệm của bộ KHĐT và Tài chính”.

 


Sai phạm của Vinalines, Vinashin vẫn tiếp tục làm nóng nghị trường chiều nay (13/6) tại phiên chất vấn Bộ trưởng KHĐT Bùi Quang Vinh.

Không được báo cáo

Mở đầu cho vấn đề nóng này, ĐB Lê Thị Nga, Thái Nguyên hỏi thẳng: “Việc quản lý, giám sát, đánh giá sử dụng vốn nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước thì không chỉ riêng Vinalines, tất cả DNNN khác đều phải chịu sự giám sát 3 bộ là KHĐ, Tài chính và bộ chuyên ngành. Vì sao cơ chế giám sát chặt chẽ như vậy mà các sai phạm vừa qua bị phát hiện chậm? Có vụ được phát hiện là do Thanh tra Chính phủ, do Ủy ban Kiểm tra TƯ, vậy trách nhiệm của Bộ KHĐT về việc thất thoát vốn nhà nước này như thế nào? Cụ thể, trách nhiệm của Bộ KHĐT ở vụ Vinalines ra sao?”.

 

ĐB Lê Thị Nga: Vì sao cơ chế giám sát chặt chẽ mà các sai phạm bị phát hiện chậm?

Cũng câu hỏi này, ĐB Lê Thị Nga đề nghị Bộ trưởng Tài chính trả lời thêm.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh bày tỏ: “Về nguyên tắc, trong các vụ việc này, chúng tôi cũng thấy có trách nhiệm của Bộ KHĐT”.

Ông dẫn giải tiếp rằng, trước năm 2005, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước có luật DNNN riêng. Sau 2005, chỉ còn luật Doanh nghiệp duy nhất, không phân biệt DNNN hay DN tư nhân. Theo đó, chế tài quản lý DNNN thoáng hơn và trao quyền lớn hơn.

Riêng về các dự án đầu tư công, có rất nhiều nghị định, hầu hết đều quy định thẩm quyền quyết định các dự án là do các tập đoàn, tổng công ty nhà nước tự quyết.

Trên cơ sở này, Bộ trưởng Vinh khẳng định: “Khi thực hiện trên thực tế, các đơn vị này không báo cáo các bộ. Thực sự sau vụ Vinashin, Bộ KHĐT không nắm được, vụ Vinalines cũng thế, Bộ không nắm được, vì không có báo cáo”.

“Vinalines, trong các dự án đầu tư có sai phạm, họ chỉ báo cáo đại diện chủ sở hữu mà không báo cáo bộ ngành. Có mấy cục đến xin thông tin cũng khó. Thậm chí, đến Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý trung ương đến mà họ còn không tiếp. Nhưng trách nhiệm thì chúng tôi nhận nhưng cụ thể là khó”, Bộ trưởng Vinh than phiền thêm.

Bộ trưởng KHĐT Bùi Quang Vinh: Đầu tư của DNNN lãng phí, tôi thấy rất xót xa

“Chia lửa” với ông, Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ chắc nịch: “Trong sai phạm ở Vinalines, Thanh tra Chính phủ đã kết luận rõ ràng, trách nhiệm chính là của Chủ tịch Tập đoàn và Giám đốc các đơn vị thành viên. Không có câu nào nói đên trách nhiệm của Bộ KHĐT và Tài chính”.

Minh chứng cho tính trách nhiệm của mình, Bộ trưởng Huệ lại kể: “Thực tế quản lý đối với Vinalines, chúng tôi đã nghiên cứu kết quả báo cáo tài chính năm 2010. Đến 2011, chúng tôi đã có báo cáo tình hình tài chính về Tổng công ty này trong hai năm 2010-2011 và đã có khuyến cáo cụ thể. Ngày 27/7/2011, Bộ Tài chính còn tiếp tục có báo cáo và cảnh báo tình hình công ty mẹ của Vinalines rất khó khăn”.

Theo như trả lời của Bộ trưởng Huệ, không chỉ riêng vụ Vinalines, Bộ Tài chính đã báo cáo nhiều lần tới Chính phủ về tình hình tài chính các DNNN, các tập đoàn, tổng công ty giai đoạn 2006-2010….

Tuy nhiên, ông Huệ cũng phải thừa nhận rằng: “Vai trò giám sát thực tế tại các tập đoàn, tổng công ty còn lỏng lẻo. Vừa qua, chúng tôi có tham mưu trong quy chế giám sát nhóm DN này với 3 tầng, tầng 1 là kiểm soát nội bộ, tầng 2 là vai trò của chủ sở hữu, giao cho bộ phận kế hoạch tài vụ tại DN có trách nhiệm giúp cho bộ trưởng bộ chuyên ngành theo dõi tình hình tài chính của các tập đoàn, tầng 3 là giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước”.

Rất xót xa

ĐB Trần Du Lịch, TP.HCM nhận định, như vậy là Bộ KHĐT đứng ngoài, vô can trong vụ Vinalines, Vinashin. Toàn bộ là do Hội đồng quản trị, tổng giám đốc các đơn vị? Làm tham mưu cho Chính phủ thì Bộ có xót xa khi đồng tiền của nhân dân được các tập đoàn đó sử dụng như là của tư nhân?

 

Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ: Giám sát thực tế tại các tập đoàn, tổng công ty còn lỏng lẻo

Bộ trưởng Vinh nói thêm rằng: Đầu tư của DNNN lãng phí thì tôi thấy rất xót xa. Trong luật này, luật kia, cơ bản là chưa hoàn thiện hoặc có thể mỗi kỳ có một cách nhìn nhận khác nhau. Những sai phạm vừa rồi phần lớn liên quan đến bản chất con người ở đó. Người ta biết luật pháp đó nhưng người ta vẫn cố tình làm như vậy. Luật pháp sửa nhưng cần phải quan tâm phẩm chất con người cán bộ, làm sao thì kiên quyết xử lý.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phải nhắc lại, ý của ĐB Trần Du Lịch muốn hỏi rằng, giao vốn cho tập đoàn, tổng công ty lớn như vậy thì quan điểm của Bộ trưởng KHĐT ra sao?

Bộ trưởng Vinh bày tỏ: Vốn chủ sở hữu là Nhà nước cấp, kể cả vốn đi vay thì cũng là của Nhà nước. Vì khi DNNN đổ bể thì Nhà nước lại bảo lãnh, không buông như tư nhân được.

“Cho nên, các dự án lớn đều phải báo cáo, không thể tự quyết được. Ở các tập đoàn phải có giám sát lớn. Không thể nào trao quyền quá lớn như vậy. Tất nhiên, luật thì đã quy định rồi nhưng theo tôi, cơ chế sẽ phải thay đổi, chúng tôi đang kiến nghị theo hướng này”, ông Vinh nhấn mạnh.

Vẫn không đồng tình quan điểm của Bộ trưởng, ĐB Trần Du Lịch bày tỏ thêm, Chủ tịch Quốc hội đã nhắc, sau vụ Vinashin, ta thấy có lỗ hổng về pháp lý. Một vụ việc như vậy mà các bộ liên quan như Tài chính, KHĐT không có trách nhiệm gì hết. Tất cả dồn vào Thủ tướng và Thủ tướng phải nhận trách nhiệm trước Quốc hội. Đó là lỗ hổng pháp lý.

“Bộ trưởng nên xem lại việc xác định trách nhiệm trong các vụ việc này. Cơ chế hiện nay không thể loại bỏ trách nhiệm của ba bộ là KHĐT, Tài chính, bộ quản lý ngành được. Không thể nào giao Vinashin có quyền tự quyết đầu tư trên 50.000 tỷ đồng mà bình thường, dự án trên 20.000 tỷ đã phải báo cáo Chính phủ rồi. Không thể nói là không có trách nhiệm!”, ĐB Trần Du Lịch gay gắt nói.

Phạm Huyền – Ảnh: Quang Khánh – Minh Thăng

Tổng Thanh tra Chính phủ nói về Vinalines

Tổng Thanh tra Chính phủ nói về Vinalines

– Trước nhiều ý kiến của ĐB trong buổi sáng về tình hình quản lý nhà nước ở các tập đoàn, tổng công ty, chiều nay (7/6), Tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP) Huỳnh Phong Tranh đã giải trình về kết quả thanh tra một số đơn vị, trong đó có Vinalines.

 

Ông Tranh cho biết, cuối năm 2011, đầu năm 2012, đã tiến hành thanh tra 5 tập đoàn, tổng công ty trong đó có Tập đoàn Dầu khí và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines). Qua thanh tra đã phát hiện vi phạm tại các tập đoàn, tổng công ty này lến đến 30.000 tỷ đồng.

Các vi phạm chủ yếu là sai quy trình thủ tục theo các quy định của nhà nước trong đầu tư, chi phí, hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, sai thẩm quyền và trình độ quản lý doanh nghiệp còn yếu kém. Nhưng Tổng TTCP khẳng định với Quốc hội là chưa phát hiện thất thoát. Thủ tướng đã chỉ đạo các đơn vị này khẩn trương khắc phục theo kết luận thanh tra, các tập đoàn, tổng công ty cũng đều đã có kế hoạch và phương án khắc phục những vi phạm này.

Xem clip Tổng TTCP Huỳnh Phong Tranh phát biểu ở Quốc hội:

 

Riêng đối với Vinalines, TTCP tiến hành thanh tra giai đoạn 2007-2010 với 3 nội dung: đầu tư mua sắm tàu, xây dựng cảng biển và cơ sở hạ tầng khác, đầu tư tài chính dài hạn. Qua thanh tra thấy nổi lên các vi phạm chính gồm đầu tư dài hạn lớn, dàn trải, có biểu hiện nóng vội, chủ yếu hoàn vốn nhanh, chiếm phần lớn tổng tài sản của Vinalines.

Do khó khăn tài chính nên hiệu quả khai thác tàu của Vinalines thấp, quản lý tàu thì manh mún. Bên cạnh đó, việc đầu tư cảng biển và cơ sở hạ tầng trong giai đoạn này cũng không đạt tiến độ đề ra, chậm tiến độ và phát huy hiệu quả kém.

Hiệu quả sản xuất kinh doanh của Vinalines càng ngày càng kém, năm 2007 lợi nhuận sau thuế là 934 tỷ đồng, đến năm 2010 chỉ còn 114 tỷ đồng. Chúng tôi chỉ thanh tra đến 2010 nhưng theo thông tin năm 2011 là bắt đầu lỗ. Thanh tra kiến nghị Vinalines cần được cơ cấu lại.

Qua thanh tra cũng phát hiện một vụ vi phạm pháp luật ở Vinalines là việc mua các ụ nổi. Trong vụ việc này có các sai phạm sau: mua ụ nổi khi chưa có quy hoạch được duyệt, mua vượt 28 ụ nổi so với quy định, mua với giá rất cao, đến 489 tỷ đồng, nhưng thời gian đi vào khai thác kéo quá dài, đẩy các chi phí khác lên đến trên 24 tỷ đồng, hàng tháng phải chi 1,6 tỷ đồng để duy trì những ụ nổi chưa đi vào hoạt động.

Với những kết quả thanh tra bước đầu này, Thanh tra đã chuyển những vi phạm này của Vinalines sang cơ quan điều tra để làm rõ thêm, mở rộng điều tra cả những sai phạm về mua và quản lý tàu.

Cũng trong chiều nay, Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ cho biết tính đến cuối 2010, tổng tài sản của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước là 1.799 nghìn tỷ đồng, nợ phải trả là 1.088 nghìn tỷ đồng, như vậy vốn chủ sở hữu còn 40%.

“Tỉ lệ chưa thật cao như mong muốn, nhưng xét trong các nền kinh tế đang phát triển và các doanh nghiệp nói chung thì tỉ lệ này không thấp”, ông Huệ nói.

Lợi nhuận của các tập đoàn, tổng công ty năm 2010 là 162.910 tỷ đồng,
tăng 66% so với năm 2009. Lỗ của một số tập đoàn trong năm 2010 là
1016 tỷ đồng, lũy kế đến 32.12/2010 là hơn 26.100 tỷ.

Một số doanh nghiệp lỗ là do làm ăn kém hiệu quả như TCT dâu tằm tơ, TCT xây dựng giao thông đường thủy…, nhưng cũng có doanh nghiệp lỗ do chính sách giá như Điện lực (EVN) khi chưa điều chỉnh giá điện.

Chung Hoàng

ĐBQH Lê Như Tiến: Tập đoàn – những ‘quả đấm thép’ tan chảy

ĐBQH Lê Như Tiến:

Tập đoàn – những ‘quả đấm thép’ tan chảy

– Một số tập đoàn nhà nước – “quả đấm thép” – đang tan chảy phải chăng có nguyên nhân do Nhà nước quá “nuông chiều” các “công tử” này – ĐB Lê Như Tiến nêu vấn đề.

 

VietNamNet giới thiệu bài phát biểu của ĐB Lê Như Tiến, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và nhi đồng của QH tại phiên thảo luận kinh tế – xã hội sáng nay (7/6):

Báo cáo của Chính phủ về kinh tế – xã hội trình Quốc hội tại kỳ họp này đã nhận định: Tình trạng tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng với những biểu hiện tinh vi, phức tạp xảy ra trên nhiều lĩnh vực, gây bức xúc trong xã hội và là thách thức lớn đối với sự quản lý của Nhà nước.

‘Quốc nạn’ hạ đo ván ‘quốc sách’

Tham nhũng có mặt khắp nơi, với nhiều mặt nạ, nhiều vỏ bọc khác nhau như thách đố kỷ cương, phép nước. Các lĩnh vực là nơi khu trú của tham nhũng, là mảnh đất màu mỡ, nuôi dưỡng tham nhũng nảy nở, phát triển và lũng đoạn như: đất đai, tài nguyên, khoáng sản, đầu tư, xây dựng cơ bản, tín dụng ngân hàng, thu chi ngân sách, quản lý vốn và tài sản nhà nước, mua sắm tài sản công, công tác tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ…

 

Ông Lê Như Tiến trả lời báo chí giờ giải lao sau khi phát biểu ở Hội trường sáng 7/6. Ảnh: Lê Anh Dũng

Chỉ riêng lĩnh vực đất đai, với trên 365.000 ha đất để hoang hóa, cấp sai đối tượng, chuyển nhượng trái pháp luật, sử dụng sai mục đích kém hiệu quả, nhiều dự án treo xuyên thế kỷ… của trên 10.796 tổ chức, đơn vị, cá nhân trong toàn quốc là lĩnh vực phát sinh nhiều tham nhũng, tiêu cực nhất.

Người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp có quyền gần như tuyệt đối trong việc định đoạt đất đai. Khi đất đai trở thành hàng hóa có giá trị đặc biệt thì những người được giao quyền rất dễ “xúc động” trước những nguồn lợi béo bở đó, trong khi các cơ sở y tế, các thiết chế văn hóa, các nhu cầu bức thiết về an sinh xã hội, các cơ sở giáo dục, đang thiếu đất nghiêm trọng nhằm giảm tải cho các nhu cầu bức thiết về văn hóa, xã hội, khám chữa bệnh, giáo dục đào tạo… Thế là “quốc nạn” có nguy cơ hạ đo ván các “quốc sách”.

‘Quả đấm thép’ tan chảy

Gần đây dư luận xã hội và cử tri đặc biệt quan tâm đến các “quả đấm thép” của nền kinh tế, đó là các tổng công ty, tập đoàn nhà nước mà các doanh nghiệp vừa và nhỏ luôn kính cẩn nghiêng mình gọi là các “ông lớn, các đại gia”. Sau PMU 18, Vinashin nay lại Vinalines…, mỗi doanh nghiệp này đã làm thất thoát lãng phí, nợ đọng hàng chục nghìn tỷ đồng của Nhà nước, của nhân dân. Cử tri thấp thỏm chờ xem, tiếp theo còn xuất hiện các “Vina” nào nữa?

Các tổng công ty, tập đoàn nhà nước nắm trong tay vốn chủ sở hữu của nhà nước lên đến 700.000 tỷ đồng, lớn hơn tổng số thu ngân sách hàng năm của quốc gia, song hiệu quả kinh doanh lại không tương xứng với đầu tư của nhà nước và sự kỳ vọng của nhân dân.

Một số “quả đấm thép” đang tan chảy khiến chúng ta phải tính đến tái cấu trúc, phải nghĩ đến phương thức đầu tư, cách thức quản trị doanh nghiệp và phải chăng có nguyên nhân là do Nhà nước quá “nuông chiều” các “công tử” này, sẵn sàng cung ứng “bầu sữa” ngân sách, nguồn lực đất đai mà chưa xem xét toàn diện đến năng lực hiện thực và khả năng thực hiện của các doanh nghiệp này. Mỗi khi doanh nghiệp “hoạn nạn”, Nhà nước dễ dàng mở ngân khố, hầu bao quốc gia để giải cứu, ném phao cứu sinh, đến nỗi nhiều doanh nghiệp không mặn mà hồ hởi cổ phần hóa, chỉ muốn bao cấp dài dài.

Cần những ‘Bao công’

Giống buôn lậu và gian lận thương mại, tham nhũng, hối lộ không đi theo con đường “chính ngạch” mà thường qua các con đường “tiểu ngạch” là các quý bà, quý cô, quý cậu, quý người thân trong gia đình; bằng hình thức chuyển dịch tiền và tài sản cho các chủ sở hữu khác nhau. Bằng cách dùng phép thuật nhào nặn, biến hóa các số liệu thu chi tài chính phi pháp thành hợp pháp mỗi khi thanh tra, kiểm toán “hỏi thăm”.

Và bằng rất nhiều mỹ từ thân thiện lọt tai: quà biếu, quà cảm ơn, mừng sinh nhật, mừng nhà mới, tặng thẻ tín dụng hàng chục nghìn đô, khuyến mại gia đình tour du lịch nước ngoài, thậm chí là mừng cả căn hộ, cả ô-tô khi lên chức.

Có một nguyên lý trong phòng, chống tham nhũng mà đôi khi chúng ta lãng quên, đó là ở đâu có điều kiện phát sinh tham nhũng thì ở đó phải có cơ chế phòng ngừa tham nhũng, ở đâu có quyền lực thì ở đó phải có cơ chế kiểm soát quyền lực. Các vụ PMU18, Vinashin, Vinalines là những bài học đắt giá.

Biểu hiện của tham nhũng càng tinh vi, phức tạp thì chúng ta càng phải có bộ máy chống tham nhũng tinh thông, tinh nhuệ, thiện chiến, chuyên nghiệp, phải có những “Bao công” quả cảm, công minh, chính đại, trong sáng, vô tư, dám cởi bỏ mũ ô sa, lấy cả tính mạng và chức tước của mình để tuyên chiến với tham nhũng.

Trước kỳ họp thứ 3 này, vào sáng 4/5, tiếp xúc với cử trị quận Ba Đình, đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Nguyễn Phú Trọng đã nói: “Phòng chống tham nhũng lần này, Trung ương quyết tâm cao, biện pháp trúng rồi, cắt thuốc đúng rồi…”. Song đại biểu Nguyễn Phú Trọng còn băn khoăn: “Lo là có chịu uống thuốc không, uống thuốc có đủ liều không”?

Chúng tôi cho đây là vấn đề cốt lõi vì: Bắt trúng mạch, cắt đúng thuốc mà không chịu uống thuốc thì việc bắt mạch và cắt thuốc sẽ không còn ý nghĩa. Không ai khác yêu cầu và cưỡng chế họ phải “uống thuốc” đó là người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị và những người có thẩm quyền trong các cơ quan bảo vệ pháp luật và đã là trọng bệnh nan y thì phải dùng biệt dược, không thể xoa bóp ngoài da được.

Cũng trong đợt tiếp xúc cử tri này, vào sáng 2/5, đại biểu Quốc hội TP.HCM Trương Tấn Sang tiếp xúc cử tri quận 1. Trả lời cử tri về phòng chống tham nhũng, đại biểu Trương Tấn Sang nhấn mạnh: “Chức vụ càng cao thì sự gương mẫu càng phải cao”. Theo chúng tôi, có lẽ đây vừa là nguyên nhân vừa là bài học sâu sắc trong phòng chống tham nhũng.

Tôi xin dẫn lời nhà giáo dục học Xô viết Makarenko đúc kết cách đây hơn nửa thế kỷ: “Gương mẫu là cha đẻ của giáo dục”.

Lê Như Tiến (Phó chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và nhi đồng của QH)

Giải trình việc bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng: Không thuyết phục!

Giải trình việc bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng: Không thuyết phục!

Thứ Sáu, 01/06/2012 00:00

Không giải thích rõ trách nhiệm của người bổ nhiệm, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn nói: “Mong các nhà báo chia sẻ”

Chiều 31-5, Bộ  GTVT tổ chức họp báo về việc bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng từ vị trí Chủ tịch Hội đồng Thành viên (HĐTV) Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), làm cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam (Bộ GTVT). Bộ trưởng Đinh La Thăng, người ký bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng, đã không có mặt. Thay vào đó,  2 thứ trưởng Lê Mạnh Hùng và Nguyễn Hồng Trường đã trả lời hàng loạt câu hỏi của phóng viên các báo, đài.

Trước bổ nhiệm, chưa tìm ra sai phạm

Cuộc họp báo của Bộ GTVT vào chiều 31-5

* Báo Người Lao Động: Trước khi bổ nhiệm, ông Dương Chí Dũng đang công tác ở một đơn vị đang bị thanh tra, Bộ GTVT có thấy cần thiết phải chủ động hỏi ý kiến các cơ quan thanh tra?

 

– Ông Nguyễn Hồng Trường: Ụ nổi No83M được mua từ năm 2007. Tiếp đó, công an phát hiện  có sai phạm trong việc mua bán thiết bị này và liên quan đến trách nhiệm quản lý lãnh đạo của Vinalines.  Bản thân lãnh đạo Vinalines lúc đó có dấu hiệu không thống nhất trong phương thức lãnh đạo. Lãnh đạo bộ cũng tìm giải pháp để giữ được cán bộ, đồng thời bảo đảm sự ổn định của đơn vị. Đối với trường hợp ông Dương Chí Dũng, khi thực hiện hoán đổi vị trí công tác thì chưa tìm ra được những sai phạm hay dấu hiệu gì lớn về phẩm chất cán bộ.

* Báo Người Lao Động:  Như vậy lúc đó, Bộ GTVT thấy mức độ chưa cần thiết để hỏi Thanh tra Chính phủ và cơ quan công an?

– Ông Nguyễn Hồng Trường: Thanh tra Chính phủ kiểm tra định kỳ, kiểm tra toàn diện về sản xuất kinh doanh cũng như những hoạt động khác chứ không phải kiểm tra về lãnh đạo Vinalines. Trong quá trình bổ nhiệm lúc đó làm sao biết được vì tổng công ty vẫn đang trong quá trình thanh tra. Ngày 16-2 mới có dự thảo kết luận thanh tra, trong khi ông Dương Chí Dũng được bổ nhiệm từ ngày 8-2.

–  Ông Lê Mạnh Hùng: Về mặt quản lý, điều động ông Dũng về làm cục trưởng Cục Hàng hải, Bộ GTVT cũng có thẩm định, hỏi ý kiến của Bộ Nội vụ, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương và các cơ quan liên quan. Ban Cán sự Đảng Bộ GTVT trước khi ông Đinh La Thăng về phụ trách cũng nắm và hiểu những vấn đề đó.

Ông Dương Chí Dũng nay đã bỏ trốn

Đến tháng 8-2011, khi ông Đinh La Thăng về làm lãnh đạo bộ, đến tháng  9-2011 khi làm việc với Vinalines đã nhận thấy những dấu hiệu mất ổn định và đưa ra bàn trong lãnh đạo bộ và chúng tôi cũng thống nhất nhận định đó. Giống như trong một gia đình, hai anh em bất hòa thì phải đưa một người đi chỗ khác để khỏi xảy ra việc nọ việc kia. Còn chưa bổ nhiệm đã thấy mùi khét, cơm khê thì ai ăn. Thông thường mời khách thấy cơm khê thì phải nấu nồi khác chứ ai mời khách nồi cơm khê đó, kể cả lấy than cho vào nồi hấp lại hoặc xúc bỏ phần cháy đi cũng không ai làm.

* Báo Tuổi Trẻ: Tại sao Bộ GTVT không chủ động hỏi thanh tra, cơ quan điều tra trong khi thanh tra có thể không biết bộ có kế hoạch bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng vào vị trí cục trưởng Cục Hàng hải?

– Ông Lê Mạnh Hùng: Đến sáng 18-5, Bộ Công an mới làm việc và thông báo với Bộ GTVT là tối 17-5 đã có lệnh khởi tố và bắt tạm giam ông Dương Chí Dũng. Còn trong suốt quá trình thanh tra, điều tra của công an, có thể do quy định nghiệp vụ nên không hề có bất cứ sự liên lạc nào với Bộ GTVT. Nếu có sự cảnh báo, chắc chúng tôi sẽ có những suy nghĩ.

Ông Dũng vẫn tốt, phiếu bầu cao

* Báo Pháp Luật TPHCM: Theo báo cáo của Cục Đăng kiểm thì tháng 11-2011, cục nhận được văn bản của Cục Cảnh sát Phòng, chống tham nhũng (C48) – Bộ Công an đề nghị cấp hồ sơ liên quan đến chứng nhận đăng kiểm ụ nổi No83M. Vậy chẳng lẽ việc C48 vào cuộc tìm hiểu không khiến  Bộ GTVT suy nghĩ gì trong quá trình xem xét bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng hay sao?

– Ông Lê Mạnh Hùng: Trong suốt quá trình, C48 không có sự liên hệ nào với Bộ GTVT. Nếu có sự cảnh báo thì chắc là chúng tôi sẽ có những suy nghĩ.

* Báo Người Lao Động: Vậy là trước khi ông Đinh La Thăng về, lãnh đạo Bộ GTVT không phát hiện có vấn đề nội bộ Vinalines mất đoàn kết?

– Ông Lê Mạnh Hùng: Trước khi ông Đinh La Thăng về bộ, chúng tôi vẫn thấy ông Dương Chí Dũng bình thường, ông ấy vẫn có phiếu bầu cao vào Ban Chấp hành và Thường vụ Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, mà có ai chỉ đạo được việc bỏ phiếu đâu.

* Báo Thanh Niên: Vinalines thua lỗ liên tiếp, sao Bộ GTVT không thẩm định trước khi bổ nhiệm cán bộ? Lãnh đạo Bộ GTVT có suy nghĩ gì về việc Thủ tướng ký quyết định thôi chức Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam của ông Đào Văn Hưng và chỉ rút về Bộ Công Thương chứ không tiến hành bổ nhiệm làm cục trưởng nào khác?

– Ông Lê Mạnh Hùng: Trong kiểm toán độc lập, Vinalines vẫn làm ăn có lãi.  Còn sự thật mà nói chúng tôi cũng không biết ông Đào Văn Hưng bị lỗi gì nên không thể so sánh với ông Dương Chí Dũng được. Đến hôm nay do ông Dương Chí Dũng bỏ trốn và đến khi bản án của tòa án có hiệu lực thì mới khẳng định người ta có tội. Vì thế, quan điểm của bộ là khi chưa thấy vấn đề gì thì vấn cứ làm. Mọi sự so sánh đều có lý nhưng cần xem lại.

Bộ Nội vụ khẳng định không liên quan

Sáng cùng ngày, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Nội vụ, trả lời hàng loạt câu hỏi của báo giới xung quanh việc bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng, bà Lê Minh Hương, Vụ phó Vụ Công chức, Viên chức thuộc Bộ Nội vụ, cho biết chức danh cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam thuộc thẩm quyền bổ nhiệm của bộ trưởng Bộ GTVT và không liên quan trách nhiệm của Bộ Nội vụ. Bộ Nội vụ chỉ chịu trách nhiệm thẩm định quy trình, thủ tục việc cho ông Dương Chí Dũng thôi giữ chức Chủ tịch HĐTV Vinalines.

Tiếp lời bà Hương, Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ Nguyễn Xuân Bình cho hay: “Tuy nhiên, người có thẩm quyền bổ nhiệm trong quá trình xem xét bổ nhiệm thì có thể cân nhắc thêm yếu tố này, yếu tố khác… Trách nhiệm trước hết là của người bổ nhiệm”.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về trách nhiệm của người bổ nhiệm, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn đã không có giải thích rõ mà chỉ nói “mong các nhà báo chia sẻ…”.

Làm đúng quy trình bổ nhiệm?

Ngay sau cuộc họp, Bộ GTVT đã có thông cáo báo chí về việc bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng, theo đó việc bổ nhiệm được sự thống nhất tuyệt đối của tập thể Ban Cán sự Đảng và lãnh đạo Bộ GTVT, thực hiện đúng nguyên tắc, đúng thẩm quyền, đúng quy trình thủ tục. Trước khi quyết định bổ nhiệm, đã được các cơ quan thẩm định chặt chẽ theo quy trình. Trong quy trình bổ nhiệm, Bộ GTVT không nhận được bất kỳ thông tin nào từ các cơ quan chức năng hay đơn thư khiếu nại, tố cáo nào về sai phạm của ông Dương Chí Dũng. Do vậy, Bộ GTVT không biết thông tin về sai phạm của ông Dương Chí Dũng trước khi quyết định bổ nhiệm.

Bài và ảnh: THẾ DŨNG

Bộ trưởng Thăng nên thông tin trước công luận

Bộ trưởng Thăng nên thông tin trước công luận

 

Đối với việc bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng làm Cục trưởng, tôi cũng đồng tình với nhiều ý kiến cho rằng Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng nên thông tin cho công luận cụ thể cả về “hình thức” và “nội dung”.- Luật sư Hoàng Việt nêu ý kiến.

 



Luật sư Hoàng Việt

Những ngày qua có nhiều dư luận về vụ việc xảy ra ở Vinalines, dưới góc độ nghề nghiệp của mình, là một luật sư, tôi muốn chia sẻ một vài suy nghĩ như sau:

Thứ nhất, dù chúng ta đang cố gắng xây dựng cơ chế chính sách tạo bình đẳng giữa các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, nhưng thực tế tồn tại cho đến hôm nay là “sự ưu ái” của Nhà nước vẫn dành cho DNNN Cái rõ nhất của sự ưu ái này là khả năng tiếp cận và sử dụng các nguồn lực. Nhưng Nhà nước chưa có cơ chế giám sát đủ hiệu quả đối với việc quản lý và sử dụng nguồn lực tại các DNNN. Đó là nguyên nhân chính dẫn tới hiệu quả sử dụng nguồn lực thấp, gây lãng phí, thất thoát. Trong khi đó các doanh nghiệp ngoài nhà nước có thể sử dụng các nguồn lực đó hiệu quả hơn lại không tiếp cận được, hoặc có thì rất khó khăn.

Vì vậy, tốt nhất là phải tạo bình đẳng thật sự. Bình đẳng khi xử lý sai phạm và phải cả trong phân phối nguồn lực nữa. Đồng thời, nhất thiết phải có sự đổi mới mạnh mẽ cơ chế giám sát DNNN. Ở đây, phải có nhiều cơ quan cùng tham gia như là Bộ quản lý Nhà nước, kiểm toán, thanh tra (không chỉ thanh tra nhà nước mà cả thanh tra chuyên ngành)… DNNN cần coi việc bị kiểm tra, thanh tra, kiểm toán là bình thường, là công việc thường xuyên. Nếu phát hiện ra sai phạm thì cần phải xử lý tức thời, minh bạch và  nghiêm minh theo quy định của pháp luật trên tinh thần thượng tôn pháp luật.

Thứ hai, việc bổ nhiệm, thuyên chuyển cán bộ ở nước ta luôn được coi là việc của Đảng và ít khi được công khai minh bạch. Tôi cho rằng dù thực chất đó là trách nhiệm của Đảng, nhưng cũng vẫn theo các quy định của pháp luật.  Dưới giác độ này tôi lại đánh giá cao thái độ và cả sự chặt chẽ của Chính phủ khi Người phát ngôn đề cập tới thẩm quyền, quy trình. Có ý kiến cho rằng đó chỉ là “hình thức” và hình thức thì không quan trọng bằng nội dung. Nhưng trong một nhà nước pháp quyền thì trước hết phải đề cập tới “hình thức” đó và phải khẳng định đúng sai dựa trên pháp luật. Trong trường hợp cụ thể này, quyết định của Thủ tướng về việc ông Dương Chí Dũng thôi chức Chủ tịch HĐTV Vinaline là đúng về “hình thức”. Về “nội dung” tôi cho rằng cũng không sai vì rõ ràng là Vinalines đang trong tình trạng không tốt từ một số năm thì việc thay người đứng đầu là hợp lý. Đó là chưa nói tới việc nếu Thủ tướng biết là cơ quan công an đang điều tra ông Dương Chí Dũng thì việc “cách ly” một cách “êm” ông này ra khỏi vị trí đứng đầu Vinalines là rất có ích cho công tác điều tra.

Tôi cũng chia sẻ hiểu biết từ thực tiễn của mình là để có đủ cơ sở pháp lý tới mức có thể khởi tố, truy tố một người có chức có quyền là hết sức khó khăn và thường phải làm hết sức bí mật. Vì thế trên thế giới và cả ở nước ta cũng đã có những quan chức cao cấp bị truy tố không lâu, thậm chí ngay sau bầu cử.

Đối với việc bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng làm Cục trưởng, tôi cũng đồng tình với nhiều ý kiến cho rằng Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng nên thông tin cho công luận cụ thể cả về “hình thức” và “nội dung”.

Tôi cho rằng, với tinh thần thượng tôn pháp luật và thực hiện công khai, minh bạch, công bằng trong mọi vấn đề của cuộc sống, thì cái gì đúng cần bảo đúng, cái gì sai thì bảo sai với một thái độ khách quan, công tâm  thì mới có những giải pháp hiệu quả và thấu đáo. Và những quyết sách trong những trường hợp đó mới thấu tình đạt lý và được lòng dân.

Luật sư Hoàng Việt (Đoàn Luật sư TP Hà Nội)

Chuyện Vinalines làm nóng diễn đàn Quốc hội

Chuyện Vinalines làm nóng diễn đàn Quốc hội

“Vừa rồi đi tiếp xúc, cử tri kêu lắm, mỗi chuyện tàu thủy lỗ. Trong khi 70.000 hộ gia đình chính sách, hỗ trợ chẳng được bao nhiêu tiền mà mãi chưa quyết được, đằng này hàng nghìn tỷ đổ sông đổ biển, xót hết cả ruột”, Bí thư thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh nói.

Ông nhận định một đất nước nhiều biển nhiều cá như Việt Nam đương nhiên cần ngành hàng hải, đóng tàu, nhưng không thể đi nhanh, đi vội để vươn tới vị trí nhất nhì thế giới trong lĩnh vực này, bởi thực tế ngành đóng tàu vẫn chủ yếu gia công, sửa chữa. Do quản lý Nhà nước lỏng lẻo, thiếu giám sát nên đến khi thanh tra vào cuộc, người ta mới vỡ lẽ ra Vinalines thua lỗ và làm thất thoát hàng nghìn tỷ đồng vốn nhà nước. Cũng vì thiếu giám sát, nên khi bị phát hiện sai phạm, nguyên lãnh đạo Vinalines đã bỏ trốn.

“Vinalines thua lỗ, cựu chủ tịch bỏ chạy, công an không bắt được. Nói ra cứ như chuyện đùa. Cử tri bức xúc hỏi mà không biết trả lời thế nào, mặt cứ trơ ra. Vinalines đã ốm yếu như vậy nhưng lại phải cõng thêm Vinashin, sụp đổ là đương nhiên”, ông Thanh nói.

MỜI XEM ĐẦY ĐỦ:  http://vnexpress.net/gl/kinh-doanh/2012/05/chuyen-vinalines-lam-nong-dien-dan-quoc-hoi/