Archive for the ‘CHÂN DUNG VĂN HỌC’ Category

về thơ LÝ PHƯƠNG LIÊN

 

LỜI CHỦ BLOG: Tôi có chuyển 1 bài viết giới thiệu về Thơ Lý Phương Liên đã đăng báo CA và chùm thơ đầu đời nổi tiếng của chị, sang dạng những trang điện tử có thể nhắp chuột để lật từng trang, tặng anh chị NNB-LPL. Cũng là muốn góp vui thôi, nhưng tôi lại nhận được thư cám ơn của chị. Vậy là niềm vui được nhân lên:

Thư Lý Phương Liên gửi anh Trần Huy Thuận (Ngang Qua Cuộc Chơi)

THƯ CẢM ƠN
Lý Phương Liên em, chân thành cảm ơn anh Trần Huy Thuận, chủ trang Web Ngang Qua Cuộc Chơi, đã không không quản tuổi cao, sức bệnh, bỏ thời gian quí báu làm tặng em cuốn Ebook Thơ Lý Phương Liên. Em nhận quà ứa nước mắt mừng vui. Thay lời cảm ơn, em xin gửi về anh lời trì chú Bồ tát, nguyện cầu cho anh vượt qua bệnh tật hiểm nghèo, sống khỏe, sống vui tuổi già cùng gia quyến và bạn bè gần xa quý mến nhau như ruột thịt.. Xin phép anh cho em nối đường link giới thiệu món quà quý anh cho em với đông đảo bạn đọc. Kinh thư, Lý Phương Liên.
 
Sài Gòn, 27.7.13

về tác phẩm ”THÀNH NAM XƯA” của Vũ Ngọc Lý

về tác phẩm ”THÀNH NAM XƯA” của Vũ Ngọc Lý. mời đọc TẠI ĐÂY 

NHÀ THƠ HẢI NHƯ, ĐÔI TÌNH NHÂN VÀ CHUYỆN TÌNH YÊU

Hải Như1

89 tuổi, nhà thơ Hải Như vẫn rất trẻ trung.

Vợ chồng nhà thơ Hải Như đến Bình Định theo lời mời của Tỉnh ủy Bình Định, với lý do ghi trong giấy mời: “…Thời gian qua đã sáng tác nhiều thơ, có bài đã phổ thành nhạc phát sóng trên Đài Truyền hình Việt Nam ca ngợi quê hương Bình Định, góp phần quảng bá hình ảnh đẹp của quê hương Bình Định trên mọi miền đất nước”. Họ đến Quy Nhơn với lời mời đó nhưng với tôi, nét tươi trẻ của họ đáng chú ý hơn nhiều. Vợ chồng nhà thơ có nguyên một kho bí quyết để giữ gìn hạnh phúc gia đình cũng như duy trì sự trẻ trung, vui vẻ đến hài hước… sẵn sàng chia sẻ với mọi người. Thỉnh thoảng họ vẫn gọi nhau là anh – em, họ có nhau trên những chặng đường dài, khi Sapa, lúc Nha Trang, Đồ Sơn… ngay cả những lúc ông được mời đi nói chuyện thơ, bà cũng ngồi bên dưới…
Bình Định là quê hương thứ hai
Chuyến du xuân đầu năm Nhâm Thìn của nhà thơ Hải Như cùng vợ ông, bà Nguyễn Thị Tỉnh (nguyên phóng viên Báo Lao động, cán bộ Sở LĐ-TB&XH TP Hồ Chí Minh) bắt đầu từ ngày 13.2, ông bà có mặt tại TP Quy Nhơn và dự định lưu lại Bình Định khoảng một tuần.
Nhà thơ Hải Như hào hứng kể về mối duyên giữa ông và Bình Định: “Khoảng trước năm 2000, anh Mai Ái Trực khi đó là chủ tịch tỉnh, vốn đã biết một số tác phẩm tôi viết về Bác Hồ, mời tôi đóng góp với tỉnh. Khi đó, tôi đã viết bài thơ “Khúc tình ca Bình Định”, được nhạc sĩ Trương Quang Lục phổ nhạc. Năm 2001 tôi lại viết bài thơ “Quy Nhơn trang mới”, lấy cảm hứng từ con đường Quy Nhơn – Sông Cầu mới xây dựng, do nhạc sĩ Văn Lương phổ nhạc. Năm 2005, tôi lại được Chủ tịch tỉnh Vũ Hoàng Hà mời ra Quy Nhơn nhân dịp khởi công xây dựng cầu Thị Nại và tôi đã viết “Thơ viết bên Đầm Thị Nại”, được nhạc sĩ Vũ Trung phổ thành bài hát “Hát từ bán đảo Phương Mai”. Ra Quy Nhơn lần này, tôi muốn viết một bài mới. Có thể là Cảng Quy Nhơn. Tôi muốn mượn Cảng Quy Nhơn để nói về Bình Định.
Ông có nhiều bài thơ viết về các vùng đất, địa phương trong cả nước và được phổ nhạc. Với Bình Định, điều gì là dấu ấn đặc biệt? 
– Theo tôi, nghệ sĩ phải ý thức đâu cũng là quê hương, mảnh đất nào trên đất nước Việt Nam cũng là quê hương của mình. Bình Định được cả nước biết đến là quê hương của anh hùng áo vải Quang Trung, con người Bình Định thì anh dũng, kiên cường trong chiến tranh bảo vệ đất nước, sống trung thực và khí phách. Các lãnh đạo tỉnh từ anh Mai Ái Trực, đến Vũ Hoàng Hà, rồi Nguyễn Văn Thiện đều mời tôi đến Bình Định và tôi dường như đã trở thành “công dân danh dự” của Bình Định. Cùng với Hải Phòng, tôi cũng coi Bình Định như quê hương thứ hai của tôi.
Vợ chồng là phải … cãi nhau
Nhân ngày lễ Valentine, ông bà có thể chia sẻ bí quyết giữ gìn hạnh phúc gia đình của mình không, khi đã cùng nhau đi gần trọn cuộc đời?
– Nhà thơ Hải Như: Chúng tôi cưới nhau năm 1946, tính đến nay là đã 66 năm. Vợ tôi là người Hà Nội gốc, khi ấy tham gia hoạt động phụ nữ xã tạiNam Định. Sau khi cưới, tôi đi bộ đội. Tôi nhớ vợ bằng thơ thế này: Người yêu tôi, cô gái quê nghèo, cưới mùa thu cách mạng/ 12 năm rồi vẫn đằm thắm chiếc hôn/ Đêm kháng chiến hành quân nằm bãi, ngủ cồn/ Gặp mắt người yêu trong giấc ngủ…
Tôi quan niệm, vợ chồng là phải bổ sung cho nhau, phải cãi nhau (cười). Cãi nhau nhưng vẫn phải làm lành. Chúng tôi có 7 người con, hai đứa đã mất, trong đó có con trai thứ hai là liệt sĩ, hy sinh 40 năm rồi mà vẫn chưa tìm thấy hài cốt. Con gái đầu của chúng tôi năm nay 65 tuổi, cháu nội tôi cũng đã 40 tuổi. Còn tôi mới có 89 tuổi, bà ấy thì mới 84 thôi.
Là nhà thơ, hẳn ông rất lãng mạn? Vào những dịp lễ như hôm nay, ông có tặng quà cho bà không?
– Chưa chắc (cười). Lúc trước tôi hay tặng hoa cho bà ấy vào kỷ niệm ngày cưới. Nhưng cũng có năm nhớ năm không. Còn bà ấy tặng tôi một bữa … đánh chén (lại cười). Chuyến đi này cũng coi như là một món quà Valentine tôi tặng bà ấy đấy.
Bà ơi (Bà Nguyễn Thị Tỉnh, vợ nhà thơ Hải Như), khi giận nhau, ai sẽ làm hòa trước?
– Ông ấy phải làm hòa trước. Phải cãi nhau mới vui, mới khỏe!
– Nhà thơ Hải Như: Vợ chồng là phải hiểu nhau, nhường nhau. Bà ấy thích thắng thì tôi cho bà ấy thắng. Phụ nữ nói chung đều thích thắng. Bà ấy biết là tôi nhường, nhưng bà ấy thích bị lừa! (cười).
– Bà Nguyễn Thị Tỉnh: Vợ chồng, dù tuổi nhiều hay ít thì cũng phải coi nhau như thuở mới yêu nhau, gần gũi, trọng nhau. Cuộc sống luôn thay đổi và có nhiều phức tạp, khó khăn nhưng người phụ nữ phải biết điều hòa. Lương chồng ít thì tiêu ít, có nhiều thì tiêu nhiều. Vợ phải là người biết điều hòa, tạo thêm nguồn lợi khác, quan trọng nhất là dạy dỗ con cái. Phụ nữ phải dịu dàng, lời ăn tiếng nói phải khéo để giữ hạnh phúc, vui vẻ, chứ mặt sưng mày sỉa thì thôi. Chồng về khuya, hỏi: anh về khuya thế, rồi lấy mì cho ăn, thế đấy! Chồng tôi làm thơ nên phải làm cho chồng vui vẻ, thoải mái thì mới có sáng tác hay được
Còn bí quyết để luôn trẻ trung thì sao, thưa ông bà?
– Nhà thơ Hải Như: Để trẻ trung, đừng bao giờ dạy dỗ người khác. Bởi khi có tư tưởng đó thì luôn thấy mình già. Còn phải tự mình rèn luyện, trau dồi tri thức, đọc sách để trang bị kiến thức. Mình dốt, khi khám phá ra được điều gì thì thấy thích, vậy là vui, thấy mình trẻ ra thôi.
– Bà Nguyễn Thị Tỉnh: Chúng tôi đang sống với con gái ở quận 12, TP Hồ Chí Minh. Sáng dậy tôi tập thể dục 20 phút, sau đó đi bộ 30 phút, và tắm. Ông ấy cũng tập thể dục, nhưng mỗi người mỗi kiểu phù hợp với sức khỏe. Trí nhớ ông ấy vẫn còn tốt, nhớ tỉ mỉ từng tí một.
Có khỏe thì gia đình mới vui vẻ, hòa nhã. Vợ chồng là phải chiều nhau một chút.

Bí quyết để sống hạnh phúc và vui vẻ dài lâu của vợ chồng nhà thơ Hải Như là vợ chồng phải biết chiều nhau, tương kính như tân, lạt mềm buộc chặt…

“Kỹ thuật” giữ chồng
Thơ tình Hải Như được khá nhiều phụ nữ ngưỡng mộ, rồi mến mộ luôn cả người làm thơ. Trong số đó đáng kể có người đẹp, diễn viên nổi tiếng miền Nam những năm 1950 – 1970 Thẩm Thúy Hằng. Đã có lần nhà thơ và người đẹp đàm đạo với nhau tại nhà ông cả ngày, và vợ ông rất vui vẻ làm cơm mời người đẹp.
Bà nghĩ như thế nào về những chuyện như thế này?
– Bà Nguyễn Thị Tỉnh: Lấy người làm văn nghệ thì phức tạp lắm, phải chiều cơ, nhưng tôi có nguyên tắc, kỹ thuật. Nhiều năm chúng tôi chưa có cãi nhau, chỉ giận dỗi tí thôi. Phải có “kỹ thuật” để giữ giá trị người chồng, cũng là giữ giá trị cho mình. Mình tin chồng mình, vì đó là công việc.
Đã có khi nào ông “lung lay” vì một bóng hồng nào đó không, và bà ứng xử như thế nào?
– Có lần ông ấy lung lay rõ ràng đấy (bà nói và nhìn về ông, vẫn cười). Nhiều cô thích thơ, thích luôn ông ấy. Từng có cô đẹp, giỏi và giàu, trước khi xuất cảnh đã ngỏ ý với tôi cho ông ấy đi cùng, đổi lại bà ấy đưa tôi vàng. Tôi bảo là cho đi ngay, bao nhiêu năm cũng được, đưa vàng đây! Thế là bà ấy biết tôi là cao thủ (cười). Lần sau, khi sắp đi, bà ấy lại ngỏ ý muốn “mượn” ông nhà tôi một đêm đi chơi, sáng mai trả. Tôi bảo một đêm thì ít quá, hai ba đêm cũng được. Rút cuộc bà ấy chẳng làm gì cả.
Thế nếu bà ấy đưa vàng cho bà thật và ông đi thì sao?
– Đố đi! Nói vậy chứ thời con gái tôi cũng thuộc loại đẹp và hiền.
Nếu thế thật thì ông có đi không?
– Tôi biết là bà ấy cho bà kia vào tròng mà!
Sau bao nhiêu năm hạnh phúc, bà hài lòng ở ông ấy điểm nào?
– Cuộc sống và xã hội phức tạp, nhưng ông ấy không hề quan tâm đến danh lợi, địa vị, vật chất. Ông ấy còn biết chiều vợ và hài hước. Về nhà, ông ấy làm thơ trêu vợ nữa. Người ngoài còn thích thơ ông ấy nữa là, mình là vợ, sao không thích!
Còn điểm bà không thích?
– Nhiều lắm (cười). Bừa bộn, không gọn gàng, ngăn nắp. Nhưng mình làm vợ thì phải biết điều hoà, phải biết hy sinh một chút. Chỉ bấy nhiêu thôi, chứ nhiều nữa thì cãi nhau to.
Xin cảm ơn vợ chồng nhà thơ Hải Như. Chúc ông bà luôn vui khỏe và hạnh phúc!

* Nhà thơ Hải Như tên thật là Vũ Như Hải, sinh năm 1923. quê quán: Bái Dương, Nam Trực, Nam Định. Trước cách mạng Tháng 8.1945, ông hoạt động truyền bá quốc ngữ tại Hà Nội. Năm 1946 ông tham gia quân đội. Từng là thư ký tòa soạn báo Sông Lô (Quân khu 10), biên tập viên văn nghệ Báo Vệ quốc quân, biên tập viên văn nghệ Báo Cứu quốc, Báo Đại Đoàn kết, Phó Tổng biên tập Báo Giác Ngộ TP Hồ Chí Minh.
Các tác phẩm chính đã xuất bản: Trái đất mai này còn lại tình yêu (tập thơ, 1985), Bài thơ trên bến Nhà Rồng (tập thơ, 1990), Nỗi buồn hoa bất tử (tập thơ, 1990), Trò chuyện với người xưa (dịch thơ chữ Hán của Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Cao Bá Quát, 1994), Xin ai chớ phụ hoa ngâu (văn xuôi, 1996),Vị thượng khách nhà tù Hương Cảng (kịch bản văn học, 1990).
Ông có hơn 40 bài thơ viết về Bác Hồ và nhiều thơ tình.
Ông có trên 100 bài thơ được phổ nhạc, trong đó có những bài được nhiều người biết như: Thành phố hoa phương đỏ (nhạc: Lương Vĩnh), Hoa hướng dương (nhạc: Tô Vũ), Chuẩn bị sẵng sàng chiến đấu (nhạc: lưu Hữu Phước), Cả Hà Nội hành quân (nhạc: Lê Lôi) Thành phố tiếng thoi (nhạc: Huy Thục), Chào bình minh thời đại (hợp xướng, nhạc: Nguyễn Đình Tấn)… Với Bình Định, ông là tác giả thơ, phần lời của những ca khúc: Khúc tình ca Bình Định (nhạc: Trương Quang Lục), Hát từ bán đảo Phương Mai (nhạc: Vũ Trung), Quy Nhơn trang mới (nhạc: Văn Lương)
  • Bài, ảnh: NGUYÊN SƯƠNG

Nguồn tin: Báo điện tử Bình Định

CHẾ LAN VIÊN: Từ Điêu Tàn đến Bánh Vẽ !…

CHẾ LAN VIÊN: Từ Điêu Tàn đến Bánh Vẽ !…

Lê Xuân Quang

 

Có lần, trong cuộc hội thảo văn thơ, một nhà thơ nổi tiếng của dòng Thi Ca Tiền Chiến (1930 – 1945) đã nói: Thi sĩ Việt Nam đã, đang rơi vào tình trạng :’’Hiện tượng Một Bài’’. Ông nêu dẫn chứng về khá nhiều tác gỉa nổi tiếng thời Tiền Chiến, sau khi đi Kháng chiến trở về, cố lắm tuyển chọn mới có một bài có thể gọi là hay, sau đó… không có thi phẩm nào vượt qua được ’’Một bài ’’ kia. Nhận xét này khá đúng vào thời điểm đó. Thế nhưng suy gẫm, đối chiếu, liên hệ, cho đến tận bây giờ nhận xét đó vẫn chưa mất tính thời sự, xác thực.

Riêng đối với Chế Lan Viên,  có thể xem  là trường hợp ngoại lệ.

Ông tên thật Phan Ngọc Hoan, Chế Lan Viên là bút danh – người quê Bình Định, học trường Quy Nhơn (1). Chế Lan Viên đến với thi đàn Việt Nam bằng tập thơ Điêu Tàn (1937) lúc mới 17 tuổi. Đó là tập thơ có chủ đề đặc biệt, cấu trúc độc đáo. Vào lức nổi danh, tác gỉa là chàng trai – theo quan niệm chung của các bậc ’’Cha – Chú’’: Đang tuổi ’’Ăn chưa no, lo chưa tới’’. Lẽ ra, Chàng Phan đang mài đũng quần ở trường trung học hay lớp chuyên nghiệp nào đó. Hoặc it ra, cần được vũ trang lí luận của một ngành chuyên khảo về lịch sử, nhân chủng học, phải có thời gian sống, chiêm nghiệm thế thái nhân tình, ’’đào bới’’… ’’quằn quại’’, suy tư – mới viết được những vần thơ làm người đọc ’’Sốc’’ trước đau thương của cả một thời đại, một dân tộc, một quốc gia hoàn toàn xa lạ với chàng Phan . Thế mà điều kì diệu đả đến : Người đọc giật mình, choáng – trước các câu thơ và cả tập thơ của chàng trai 17 tuổi. Chế Lan Viên thoắt hiện ra, lừng lững trên thi đàn Việt Nam vào giai đoạn dòng Thơ Mới , mới phôi thai!

Đọc Điêu Tàn, người đọc bỡ ngỡ… đến chóang ngợp. Điều ’’kinh hoàng’’ hơn: Chàng Phan còn dựng dậy, nhập vào những hồn ma, làm họ sống động như những con người thật, đi lại, vật vờ xung quanh đống đổ nát điêu tàn của cả triều đại, cất tiếng than khóc cho số phận nghiệt ngả của dân tộc mình. Chế Lan Viên đã ’’nhập hồn, hóa cốt’’ vào dân tộc Hời… rồi qua họ, bước lên thi đàn Việt Nam như một biểu tượng rực rỡ trong giòng Thơ Mới ở nửa đầu của thế kỷ 20.

Có thể đọc một bài tiêu biểu trong Điêu Tàn – làm thí dụ:

 

TRÊN ĐƯỜNG VỀ

 

Một ngày biếc thị thành ta rời bỏ

Quay về xem non nước giống dân Hời

……………………………………………………..

……………………………………………………..

 (2 giòng này bị kiểm duyệt Pháp thời đó cắt bỏ)

 

Đây những tháp gầy mòn vì mong đợi

Những đền xưa đổ nát dưới thời gian,

Những sông vắng lê mình trong bóng tối,

Những tượng Chàm lở lói rỉ rên than.

 

Đây, những cảnh ngàn sâu cây lả ngọn.

Muôn ma Hời sờ soạng dắt nhau đi;

Những rừng thẳm bóng chiều lan hỗn độn,

Lừng hương đưa, rộn rã tiếng từ quy !

 

Đây, chiến địa nơi đôi bên giao trận,

Muôn cô hồn tử sĩ hét gầm vang,

Mắu Chàm cuộn tháng ngày niềm óan hận,

Xương Chàm luôn rào rạt nỗi căm hờn.

 

Đây, những cảnh thái bình trong Chiêm Quốc,

Những cô thôn vàng nhuộm nắng chiều tươi,

Những Chiêm nử nhẹ nhàng quay lại ấp,

Áo hồng nâu phủ phất xõa lời vui.

 

Đây điện các huy hoàng trong ánh nắng,

Những đền đài tuyệt mỹ dưới trời xanh

Đây, chiến thuyền nằm trơ trên sông lặng,

Bày voi thiêng trầm mặc dạo bên thành.

 

Đây, trong ánh ngọc lưu ly huyền ảo,

Vua quan Chiêm say đắm thịt da ngà,

Những Chiêm nữ mơ màng trong tiếng sáo,

Cùng nhịp nhàng, uyển chuyển uốn mình hoa.

 

Những cảnh ấy trên đường về ta đã gặp

Tháng ngày qua ám ảnh mãi không thôi,

Và từ đãy lòng ta luôn tràn ngập,

Nỗi buồn thương, nhớ tiếc giống dân Hời !

(Điêu Tàn – 1937)

 

Tập thơ ra đời được 5 năm, ngay cả Hoài Thanh nhà biên khảo có uy tín trên văn đàn Việt Nam – cũng viết: ‘’…Vong linh đau khổ của nòi giống Chàm đã nhập vào Chế Lan Viên, cho nên dầu không phải người họ Chế, CLV  vẫn là một nhà thơ Chiêm Thành…’’(2).(Thi nhân VN)

Sau này nhiều người theo đó cũng phát triển, nhận định lạc hướng họa theo: ‘’… tập thơ (Điêu Tàn) miêu tả nỗi cô đơn của một người không tìm thấy sự hòa hợp với cuộc đời…’’ (3) Wikipedia tiếng Việt.

Nếu chúng ta đọc Điêu Tàn theo một cách khác: Mở rộng và suy tư cặn kẽ, sâu sắc hơn, nhận ra – Nghĩa đen, đúng là tác gỉa hướng dẫn người đọc đi vào thế giới mộng ảo và cảm nhận qúa khứ bi thương… Nhưng trấn tĩnh lại, ta chợt giật mình, nhận ra, ở phía sau – nghĩa bóng của Điêu Tàn: Bao thế kỷ, bao năm qua, dân tộc Việt, nói giống Việt cũng đã bao phen chèo chống cố thoát ra khỏi cảnh bi nô lệ của phong kiến phương Bắc, nhưng vẫn bị chúng đuổi cùng giết tận dù phải bồng bế nhau xuôi giòng sông, chạy xuống sinh cơ lập nghiệp ở vùng đất mới là Việt Nam ngày nay. Đã có kinh nghiệm của qúa khứ, khi bước vào thử thách hiện thời, tổ tiên ta nhận thức ra :  Quyết không để’’Người Phụ Mình’’ cho dù phải bắt buộc’’Mình Thà Phụ Người’’ để tồn tại. Lịch sử đã ghi lại, chứng minh: Việt Nam đã từng bị vương quốc Chiêm Thành xâm chiếm… vua nhà Trần phải mang con gái cưng của mình hiến cho vua Chiêm, để đổi lại sự yên bình cho giòng tộc Việt ở phía Nam mà vẫn chưa yên. Trong thời đại thế giới hỗn mang trên nguyên tắc: Mạnh được, yếu thua. Hoàn cảnh Việt Nam lúc bấy giờ lại bị ép từ 2 phía:

Bắc – phong kiến phương Bắc lăm le thôn tính, lợi dụng cuộc Huynh – Đệ tương tàn của 2 giòng họ: Trịnh – Nguyễn, coi nhà Trịnh như một tên lính xung kích để chờ thời sẵn sàng hớt tay trên nếu Trịnh thôn tính xong Nguyễn.

Nam – Chiêm Thành luôn luôn xâm lấn, đe dọa….

Không còn đường nào khác, thế là cuộc trường chinh: Dẹp, mở rộng phía Nam để yên một mặt, chú tâm chỉ chống một kẻ thù phía Bắc – thay vì chống với cả hai.  Đây là hòan cảnh, là lịch sử. Nếu lần này nữa lại hành xử như qúa khứ: Bồng bế nhau rút chạy? Nhưng bây giờ: chạy đi đâu? Thế là phải thực hiện quy luật: Cùng tắc Biến (Biến tắc thông). Và, thảm cảnh giữa hai quốc gia, hai dân tộc Đại Việt – Chiêm Thanh đã xẩy ra không thể nào cưỡng được…

Cao hơn, đúng hơn: Chế Lan Viên viết Điêu Tàn chỉ là cách ‘’mượn xác – hoàn hồn’’ – lấy Xưa nói Nay. Tác gỉa đã đánh thức cả dân tộc bằng một thông điệp: Dân tộc Việt Nam hãy nhìn gương tấy liếp đây : Tổ quốc, dân tộc hay là tiêu vong !

Xin bạn đọc hãy chú ý 2 câu thơ – thứ 3 và 4 – ở khổ thơ thứ nhất – Trên Đường Về. Tôi rất muốn biết: Hai câu thơ đó là thế nào, mà kiểm duyệt Pháp thời năm 1937 – xóa đi. Chúng ta biết: Từ năm 1936, Mặt trận Bình dân lên nắm chính quyền ở Pháp. Họ đã mở rộng ‘’thí cho’’ các nước thuộc địa một số cải cách để dân nô lệ đỡ sống ngột ngạt hòng xoa dịu phản kháng. Thế mà 2 câu thơ này vẫn bị xóa, chứng tỏ nội dung của nó rất’’Dữ dội’’ khiến chính phủ bảo hộ ở An Nam không chịu được. Chắc chắn 2 câu thơ ‘’phạm húy’’hay động chạm đến chính sách cai trị hà khắc của chế độ thực dân ở thuộc địa… cũng có lẽ : Kêu gọi đấu tranh giành độc lập, dân chủ, tuej fo (!?). Nếu trước đây họ sẽ bị hành xử khác, còn bây giờ (…), bộ máy kiểm duyệt đành cho cắt bỏ 2 câu, cả bài thơ vẫn cho phổ biến, (để không bị Sếp lớn cho là bất tuân thượng lệnh)!

Tiếc thay, vì mất 2 câu – toàn bài thơ đã chuyển hướng theo ý nghĩa khác làm nhiều người hiểu lầm, hiểu sai nguyên tác Điêu Tàn. Suốt thời gian dài, bài thơ và cha đẻ của nó –  tác giả – đã bị những người’’hời hợt’’ giải thich, hướng dẫn dư luận đánh giá – sai !…

Thời kì đầu Thế kỉ 20 đến cuối những năm ba mươi, Thực dân Pháp đàn áp các cuộc nổi dậy, chém giết các chiến sĩ cách mạng tràn lan qua các vụ : Hà Thành Đầu Độc, Ngày Tang Yên Bái, Cần Vương, Đề Thám, Sô viết Nghệ Tĩnh…Có thể tinh thần phản kháng của tác giả nằm ở hai câu thơ mà thực dân Pháp nhận ra rồi cắt bỏ. Từ suy nghĩ phân tích trên, có thể đi đến nhận định: Chế Lan Viên viết Điêu Tàn là có chủ ý: Khơi dậy trong lòng dân tộc tinh thần chống ngoại xâm. Bảo vệ độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ. Chúng ta phải phục hiện sự thực, cho dù quá muộn, nhưng muộn vẫn còn hơn không. Không thể để các thế hệ sau tiếp tục hiểu sai lệch ý tác gỉa và tập thơ Điêu Tàn, chỉ vì vài ý kiến trước đó hiểu chưa đúng do vô tình hoặc cố ý (…) làm biến dạng nguyên tac…

Chê Lan Viên là người yêu tổ quốc, đất nước như bao người Việt Nam khác. Chỉ nói riêng phần thi ca, ông đã viết, làm nổi lên những gía trị, nối tiếp sau Điêu Tàn. Sau các tập thơ, bài thơ và chỉ ngay 4 câu thơ trong bài Tiếng Hát Con Tầu đã đủ đưa ông lên vị trí nhà thơ lớn của dân tộc:

‘’…

Nhớ bản sương giăng, nhớ đèo mây phủ

Nơi nào qua mà chẳng thấy yêu thương

Nơi ta ở – chỉ là đất ở

Nơi ta đi – đất bỗng hóa tâm hồn…’’

 

Nhà Văn – Nghệ – Sĩ có thể có nhiều cách thể hiện ca ngợi tổ quốc mình bằng sáng tạo tác phẩm – dài, ngắn. Chế Lan Viên chỉ cần 4 câu thơ đã nói thay cõi lòng của nhiều người. Tổ quốc – Dân tộc  là Đất – Nước. Đọc lên mọi người cảm nhận ngay bởi mấy từ Đất bỗng hóa tâm hồn. Vì là tâm hồn nên Đất trở thành thiêng liêng, thân yêu. Đất – chính là  Mẹ hiền, là Tổ quốc Việt Nam !

Phải nghe tiếp những câu thơ hào hùng trong bài: Tổ quốc có bao giờ đệp thế này chăng – xâu chuỗi lại mới thấy rõ chủ ý của Chế Lan Viên – từ Điêu Tàn, ngược từng cột mốc lịch sử của hôm qua rồi quay trở về hôm nay: Kêu gọi cả Dân tộc đứng lên Bảo Vệ Tổ Quốc khỏi họa xâm lăng đang ngày đêm tiềm ẩn :

 

Hỡi sông Hồng tiếng hát bốn nghìn năm

Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng ?

Chưa đâu !

Và ngay cả trong những ngày đẹp nhất !

Khi Nguyễn Trãi làm thơ và đánh giặc

Nguyễn Du viết Kiều, đất nước hóa thành văn,

Khi Nguyễn Huệ cưỡi voi vào cửa Bắc,

Hưng Đạo diệt quân Nguyên

                        trên sóng Bạch Đằng…

 

Những anh hùng dân tộc – đứng đầu các cuộc chống xâm lăng phương Bắc được nhà thơ ghi lại trong từng câu thơ khiến người đọc đương thời cảm động, trỗi dậy khí thế hiên ngang nhờ oai linh của tổ tiên…Chê Lan Viên đã để lại cho thi đàn Việt Nam nhiều bài thơ gía trị, cùng những tác phẩm nhiều thể loại khác. Ông cũng là người duy nhất trong làng thơ Việt Nam: Dù đã đi vào cõi vĩnh hằng, dù lúc còn sống các thi phẩm gía trị chưa được công bố . Giờ, khi tác gỉa đã trở về với cát bụi, các thi phẩm tuyệt vời mới được người đời, đọc. Người đọc Việt Nam ngà mũ kính chào Thi sĩ trứ danh của Văn Chương Việt Nam hiện đại.

Các thi phẩm nổi tiếng công bố muộn mằn của Chế Lan Viên – in trong Di Cảo Chế Lan Viên – chính là 3 bài thơ: Ai Tôi – Bánh Vẽ – Trừ Đi! 

Chúng ta hãy cùng đọc và cùng suy tư các tác phẩm này:

 

AI TÔI ?

 

Mậu Thân, 2000 người xuống đồng bằng

Chỉ một đêm còn sống sót có 30

Ai chịu trách nhiệm về cái chết 2000 người đó ?

Tôi !

Tôi – người viết những câu thơ cổ võ

Ca tụng người không tiếc mạng mình

                        trong mọi lúc xung phong

 

Một trong 30 người khi ở mặt trận

                                    về sau mười năm

Ngồi bán quần trên đường nuôi đàn con nhỏ

Quán treo huân chương đầy mọi chỗ

Chả Huân chương nào nuôi được người lính cũ !

Ai chịu trách nhiệm vậy ?

Lại chính tôi!

 

Người lính cần một câu thơ giải đáp về đời

Tôi ú ớ!

Người ấy nhắc những câu thơ tôi làm

Mà tôi xấu hổ!

Tôi chưa có câu thơ nào hôm nay

giúp người ấy nuôi đàn con nhỏ

Giữa buồn tủi chua cay

Tôi có thể cười!…

 

1987. (Di cảo của Chế Lan Viên)

 

BÁNH VẼ!

Chưa cần cầm lên nếm, anh đã biết là bánh vẽ

Thế nhưng anh vẫn ngồi vào bàn cùng bè bạn

Cầm lên nhấm nháp

Chả là nếu anh từ chối

Chúng sẽ bảo anh phá rối

Đêm vui!

Bảo anh không còn có khả năng nhai

Và đưa anh từ nay ra khỏi tiệc…

Thế thì còn đâu dịp nhai thứ thiệt ?

Rốt cuộc anh lại ngồi vào bàn

Như không có gì sảy ra hết

Và những người khác thấy anh ngồi,

Họ cũng ngồi thôi

Nhai ngồm ngoàm…

 

(Rút trong tập  Văn học và Dư luận,

NXB Trẻ TP HCM –  Di cảo của Chế Lan Viên)

 

TRỪ ĐI!

 

Sau này anh đọc thơ tôi nên nhớ

Có phải tôi viết đâu ? Một nửa

Cái cần viết vào thơ, tôi đã giết đi rồi!

Giết một tiếng đau, giết một tiếng cười,

Giết một kỷ niệm, giết một ước mơ.

Tôi giết cái cánh sắp bay…

                        trước khi tôi viết

Tôi giết bão táp ngoài khơi

                        cho được yên ổn trên bờ

Và giết luôn mặt trời lên trên biển.

Giết mưa và giết luôn cả cỏ

                        mọc trong mưa luôn thể

Cho nên câu thơ tôi gầy còm như thế

Tôi viết bằng xương thôi,

                        không có thịt của mình.

Và thơ này rơi đến tay anh

Anh bảo đấy là tôi?

Không phải!

Nhưng cũng chính là tôi –  người có lỗi!

Đã giết đi bao nhiêu cái

Có khi không có tội như mình !

 

(Rút trong tập Di cảo (4)  của Chế Lan Viên)

Berlin 27.9.2007

 

1 – Lấy từ Thi nhân Việt Nam xuất bản năm 1942. Theo Bách khoa toàn thư VN : Chế Lan Viên sinh ở Cam Lộ, Quảng Trị (?)

2 – Thi Nhân VN trang 238 – 239

3 – lời giới thiệu của Bách Khoa Toàn Thư Việt Nam…

4 – Di Cảo được Hội nhà văn Việt Nam tặng giải thưởng văn chương.

85 năm NGÀY SINH, 45 năm NGÀY MẤTnhà văn quê hương Nam Định thân yêu: Nguyễn Thi

nhân 85 năm NGÀY SINH, 45 năm NGÀY MẤT nhà văn quê hương Nam Định thân yêu: Nguyễn Thi (NGUYỄN NGỌC TẤN), mời đọc CÁC BÀI VIẾT VÀ HÌNH ẢNH VỀ NGUYỄN THI TẠI ĐÂY

NGƯỜI VỤC GIĂNG SAO ÂU YẾM ÁP LÊN MÔI

 NGƯỜI VỰC GIĂNG SAO ÂU YẾM ÁP LÊN MÔI

nhà văn KAO SƠN

alt src=http://kaoson.vnweblogs.com/gallery/10317/previews-med/Copy%20of%20r001-006.jpgalt

ẢNH CHỤP CÙNG PHẠM nHƯ HÀ ( GIỮA ) VÀ hOÀNG PHƯƠNG NHÂM

NĂM CẢ BA CÒN ĐẦY MƠ MỘNG ( 1986 )

NGƯỜI VỤC GIĂNG SAO ÂU YẾM ÁP LÊN MÔI

viết cho 10 năm ngày giỗ Hà sắp tới

Năm 1976, tôi chuyển công tác từ Ninh Bình ra Nam Định. Là cái anh nhà quê tỉnh lẻ, mọi thứ đang quen với nếp sống và kiểu cư sử của tỉnh lẻ, nay bỗng dưng bị ném vào nơi ồn ào phố xá như Nam Định, tôi như con cá bị sóng tung lên bờ cát, cố mãi, cứ phải gồng mình há miệng ra thở mà vẫn thấy không thể nào quen được, không thể “ hòa nhập” được. Ở cạnh Ban Thiết kế Công Nghiệp hồi đó là Hội văn nghệ. Ở đó cũng có vài ba người là dân “Ninh Buồn”. Lân la sang tìm đồng hương kiếm chỗ dựa thì may, gặp được Nguyễn Thế Kiểm ( Tôi đã có bài viết về anh trong VĂN CÒN ĐÓ, NGƯỜI ĐÂU ). Anh Kiểm viết văn, cũng ra Nam Định do sáp nhập 2 ty văn hóa, quê Gia Viễn thuộc vùng xả lũ của tỉnh Ninh Bình cũ, nhà rất nghèo, cứ 6 ngày “Cơm tu, ở tù” mới đc một ngày lóc cóc đạp xe vượt hơn 60 km về thăm nhà. Cùng ở tập thể với anh, chung cảnh “mặc áo chuyên da, đi xe cố vấn” như Kiểm còn có Phạm Như Hà. Anh Hà làm thơ, dân Nam Định nhưng là Nam Định quê, nhà cách thành phố những gần 40 cây số. Vậy là hoàn cảnh và sau này thì tôi tin là có cả duyên số nữa, đã đưa đẩy, vun gom chúng tôi lại với nhau để rồi nhanh chóng ghép chúng tôi lại thành một bộ ba chí thiết. Thực tình mà nói, tôi lúc đó mới chỉ là một anh kĩ sư non choẹt vừa mới ra trường. Kiểm và Hà, dẫu sao thì cũng đã có bài đăng báo này tạp chí nọ và nhất là lại được biên chế trong một cơ quan Văn nghệ hẳn hoi. Và tôi đều đã được đọc các anh. Vậy thì trong mắt tôi khi đó, các anh long lanh lắm. Tôi là kẻ cũng sớm mang mông văn chương nhưng mới chỉ là mộng thôi. Tôi chưa viết được gì ngoài vài bài thơ con cóc đăng trên báo Người công giáo viết từ lúc còn là Sinh viên trường Đại học Bách Khoa. Nhưng điều đó, cái sự khác nhau đó lại hầu như trở thành một chất xúc tác là lạ để cả ba chúng tôi thấy khoái nhau. Ba con người, ba số phận, ba tính cách khác hẳn. Anh Kiểm lớn tuổi hơn cả, người đen chắc, thô vụng, kềnh càng, hay mặc bộ đồ nâu giống như một lão nông nhưng ăn nói lại nhỏ nhẹ, nhỏ nhẹ như văn anh vậy. Hà thì nhỏ con, gầy và còng ròng. Có lẽ khi bà mụ nặn anh đã sơ suất để anh được quá ít kí lô? Vậy thì Hà gầy, cái gầy do trời định cộng với cái gầy do thời buổi khó khăn, chịu đói thường xuyên đem lại. Hồi đó chúng tôi đói lắm. Đói bỏ cha bỏ mẹ. Tôi ban ngày đi làm cho cơ quan Thiết kế Công nghiệp, tối đi đánh búa thuê cho một HTX cơ khí. Nhiều khi mệt qua lăn xuỗng rãnh nước cạnh đường mà ngủ. Nói vậy nhưng cũng còn qua đó kiếm được chút ăn. Hà và Kiểm thì không. Các anh chỉ nhai chữ. Mà chữ thì không lấp đấy dạ dày được.  Quanh năm tứ thời tôi chỉ thấy Hà mặc màu áo lính. Thì ra trước đây Hà có đi bộ đội, sau hòa bình thì giải ngũ và do có năng khiếu văn nghệ nên anh được nhận vào cơ quan hội. Ra với đời thường, Hà mang từ lính về được 2 bội quần áo và do cả hai bộ đều giống nhau nên có cảm giác anh chỉ có một bộ duy nhất. Mà bộ quần áo thời lính của Hà lại rộng nên trông Hà lúc nào cũng như đang bơi trong nó. Bề ngoài so với Kiểm và Hà thì tôi được coi là con chích chòe khá bảnh, quần áo không có tiền để là nhưng được gấp gối đầu giường thành ra lúc nào cũng như gấp nếp. Và tôi lại là gã hay nói. Chích chòe, chích chòe choe. Có cái gì là tìm sang Hà và Kiểm để khoe luôn. Theo sự động viên của hai anh, tôi tập tọng viết văn, tập tọng làm thơ, tập tọng các kiểu ta đây nghệ sỹ. Có lúc hứng lên, tôi thôi bỏ áo trong quần, làm một bộ Pizama bằng vải thô màu nâu, lê đôi guốc mộc. Cũng vì bộ quần áo và đôi guốc mộc ấy mà tôi bị cơ quan phê là lập dị rồi vì bướng không sửa nên xếp hạng hàng tháng dù được coi là con dao pha trong công việc, tôi vẫn cứ bị đẩy xuống hàng cuối cùng. Chỉ có Hà và Kiểm là nhìn tôi gật gù cười. Có lẽ các anh thấy ở tôi cái ngông của tuổi trẻ?!

Từ 1976 đến 1986 có thể nói đó là mười năm khó khăn nhất của đất nước. Người đời đói, cánh nhà văn nhà thơ lại càng đói tợn. Ở văn phòng Hội Văn nghệ hồi đó có một cái bếp tập thể. Bà Suốt là người được cơ quan Hội nhận về làm cấp dưỡng. Bà già, không có chồng, khó tính, nóng và luôn quát nạt hết thảy cánh nhà văn nhà thơ. Bà không ác. Có lẽ bà chỉ muốn ỏm tỏi để giúp những người khác quên đi cái nghèo đang cứ bao lấy họ như màn khói bếp của bà, hay để mấy ông văn chương đứng dậy đi khỏi hội mà kiếm lấy cái thiết thực bỏ bụng chứ đừng túm năm tụm ba lại với nhau suốt ngày uống chè bã rồi thơ phú ngâm vịnh. Gian phòng Hà ở cách cái bếp suốt ngày um khói của bà Suốt chừng có vài ba mét và tôi ngờ rằng chính có lẽ hít phải khói từ căn bếp ấy nhiều nên thơ anh thường rất buồn. Hằng ngày Hà không ăn cơm tập thể mà tự nấu lấy. Không phải Hà sợ thiệt mà chính là nấu lấy thì có thể nấu ít hơn, ăn ít hơn. Hà có một cái xoong nhôm bé bằng hai bàn tay chụm và tất cả bữa ăn của Hà là từ đấy. Hôm nào có tiền Hà kho tép hoặc chưng nước xì dầu với mấy mẩu tóp mỡ trước, không có tiền thì dung xoong rang muối với ớt làm thức ăn mặn, đổ ra đĩa lấy cái luộc rau, xong lại đổ ra bát và nấu cơm. Đến bữa, Hà trệu trạo nhai, trệu trạo nuốt, trệu trạo nghĩ thơ. Trên chiếc túi áo ngực của Hà bao giờ cũng có sẵn một cây bút và mấy tờ lịch xé ở trên văn phòng. Nghĩ được câu thơ nào Hà lại dừng trệu trạo và ghi chúng vào tờ sau của mấy tờ lịch đó.

Vậy mà cả một tập thơ MÂY SÔNG NINH đã ra đời.

 

Sông Ninh dòng nước vẫn hiền

Như còn bà ngoại ở bên kia đò

Mái gianh gió cũ cào xơ

Tre gai mấy bụi gầy gò xóm đê

 

Đò Sòng bến ngấn cát se

Mía vương vương tím lối về thắp hương

Sông trôi cứ ngỡ vẫn thường

Bồi bên nhớ, lở bên thương lúc nào

 

Cháu tìm về giấc chiêm bao

Vườn xưa phơi vắng nắng đào, bà ơi

Cháu tìm ông cậu tám mươi

Củ hành búi tóc ngồi bồi sách nho

 

Sông không rộng, sóng không to

Mà quê ngoại mỗi chuyến đò…. mỗi xa.

 

Đây là bài Mây sông Ninh, bài đầu tiên và cũng là bài được lấy tên chung cho tập thơ.

Thơ Hà vậy đó. Phần lớn buồn và hơi cổ điển. Hồi đó chúng tôi không mấy người có thói bẻ đôi câu thơ, bẻ ba, bẻ bốn, thậm chí bẻ vụn câu thơ ra như nhiều người bây giờ thường làm để tỏ mình cách tân, đổi mới. Làm vậy, có thể tạo được dăm ba sự tò mò nào đó nhưng về thực chất, chúng chỉ như lóng lánh từ những mảnh vụn của thủy tinh vỡ chứ không thể là một đẹp hoàn chỉnh của chiếc bình pha lê do một nghệ nhân đích thực sáng tạo nên được. Hà làm thơ theo lối cũ, rủ rỉ, rủ rỉ:

 

… Xuân về Nam Định êm đềm lắm

Nửa tỉnh, nửa quê ai nhớ không

Chợ hoa, quầy báo người mua sắm

Tiếng hỏi như mơ, tiếng đáp mòng

 

Phố xá đủ vui mà đủ thoáng

Dáng người nửa vội, nửa khoan thai

Mùa xuân Nam Định duyên thầm thoảng

                  Như cánh đào phai, như má ai…

                                                                             ( xuân Nam Định )

Tôi không phải là nhà phê bình thơ. Tôi chỉ cảm thơ, thấy thích thì nói thích, không biết phân tích tại sao. Và tôi đã từ lâu phải lòng những bài thơ của Hà:

MẸ TÔI

Nhớ về tóc mẹ bạc phơ

Ngậm ngùi tôi nghĩ vẩn vơ với trời

Ai người thương xót mẹ tôi

Nửa đời chạy giặc, nửa đời mong con

Tôi đi mê mải nước non

Chiều nay đứng giữa chon von kiếp người

Tim như chiếc lá nhỏ nhoi

Thấm lên hết nỗi cây đời trần ai

 

Mẹ cho con những ban mai

Mây chiều xin tựa bóng dài sang con…

TÌNH LỠ

Nước trôi từ bấy đến giờ

Bao nhiêu còn lại một bờ nắng chênh

 

Tuổi hoa lỡ một mối tình

Tiếc như chiếc kẹo để dành lại quên

Đánh xe mười ngựa tôi tìm

Ngẩn ngơ chốn cũ cầm lên giấy hồng

Người ơi dầu thế là không

Còn phong má đỏ, yếm hồng trong mơ

 

Nước trôi từ bấy đến giờ…

XỨ TRĂNG

Đường mông du vằng vặc uốn lên trăng

Hương run rẩy một luồng đây với đó

Trời xanh mướt thả dài cong ngọn gió

Treo long lanh chùm sao Thủy, sao Kim

 

Vầng trăng như vị đạo sỹ im lìm

Lướt vùn vụt dặm mây sương trải vóc

Mường tượng rõ cả cỗ xe nạm ngọc

Ánh biếc trong lộn với sắc da trời

 

Trăng nõn nà, trăng nuồn nuột, trăng tươi

Trăng cù kí muôn cười, muôn ý lạ

Xanh cả chiếc bóng ai vừa trổ lá

Hoa xứ trăng không rụng, mộng không tàn

 

Người xứ trăng, vai gió núi, mây ngàn…

Văn là người. Tôi tin rằng những người đã viết được những câu thơ, những bài thơ đẹp và mê đắm đến vậy mặc dù thường là khổ, nhưng chắc chắn không thể và không bao giờ là một kẻ đểu cáng, xấu xa. Gặp họ trong cuộc đời ta có thể yên tâm mà chìa bàn tay ra với họ cùng một niềm mến thương, tin cẩn.

Còn nữa, còn rất nhiều bài thơ của Hà mà tôi thích. Thơ anh không cao giọng, không cố tình bày đặt câu chữ. Anh nhặt từ cuộc đời những từ ngữ của đời mà ghép thành thơ. Anh cứa vào những mạch máu li ti trong trái tim đập thất thường của mình để chúng bật thành những âm thanh vi diệu có sức len và đụng chạm tới mọi cõi lòng người và làm run rẩy cả trăng sao.  Thơ Hà đã đạt tới vẻ giản dị thuàn khiết nhất. Đọc thơ Phạm Như Hà, có cảm giác phảng phất đâu đó có cuồng say của Hàn Mặc Tử, có chân quê của Nguyễn Bính, có mê đắm của Xuân Diệu và có cả sự mộc mạc mà đằm thắm của Đoàn Văn Cừ. Nhưng Phạm Như Hà vẫn giữ được nét riêng, đủ để tạo nên từ anh một phong cách thơ, một vẻ dáng riêng không trộn lẫn.

Năm 1992 tôi chuyển về Ninh Bình. Thỉnh thoảng lắm mới có dịp ra Nam Định và có dịp gặp được Hà. Hà vẫn vậy nhưng gầy hơn và khắc khổ hơn.  Điều làm tôi quý Hà một phần về thơ anh, nhưng một phần chính nữa là con người anh. Với tôi, Hà coi tôi như em, như một người bạn chí cốt. Có chuyện gì lớn nhỏ trong đời anh em tôi thường đem bàn với nhau. Nhớ cái lần tôi sắm được chiếc xe Mokik, Hà cười bảo: Hôm nào rảnh, ông cho tôi lên  ngồi thử, đưa tôi đi mấy vòng quanh phố xem cảm giác ngồi trên cái “bình bịch” nó thế nào? Bảo vậy nhưng mấy lần sau đó thì khi tôi mời Hà cứ tìm cách lảng. Anh sợ tôi tốn xăng. Lại nhớ nữa, cái lần năm 2001 tôi được giải Nhất cuốn “Khúc đồng dao lấm láp”, giải thưởng hồi đó 25 triệu là to lắm, to nhất cả nước, to đến mức nó giúp tôi trả hết được món nợ làm nhà mà suốt gần 10 năm đeo nặng. Liền năm sau đó, tôi được giải Nhất “cuộc thi thơ Lục Bát báo Văn nghệ tổ chức trong hai năm 2001-2002”. Tôi ra Nam Định tìm Hà với mục đích kéo anh đi chiêu đãi nhưng Hà cứ nhất quyết đòi được chiêu đãi tôi. Anh bảo tôi ngồi uống nước, xỏ vội chiếc áo lính đã bạc màu lên người rồi chạy bộ ra chợ Rồng mua về một đĩa lòng và một cút rượu trắng. Hà chạy sang bà Suốt mượn chiếc xoong khác to hơn và vừa nấu cơm vừa thỉnh thoảng lại kéo ghế sát bên tôi: Ông giỏi lắm. Cái Khúc đồng dao lấm láp ấy, tôi đánh giá ông hơn cả… tôi không nhớ Hà so tôi với ai, hình như là với một nhà văn phương tây nào đó khá nổi tiếng. Anh vỗ vai tôi hỉ hả cười. Và rồi cũng lại chợt buồn: Kao Sơn thông cảm cho mình. Ba bài thơ được giải của ông vừa rồi ấy mà, mình nhớ là trước đó Kao Sơn có gửi cho mình. Mình đọc thích lắm định đưa in trên tạp chí ngay nhưng… Tôi vội xí xóa cười lắc đầu để anh yên tâm. Làm tổng biên tập của một tạp chí, tôi hiểu khó khăn của một tờ báo cấp tỉnh với bao mối ràng buộc cùng bao quan điểm này nọ. Nhưng Hà thì cứ tỏ rõ vẻ băn khoăn.

Có lẽ thời gian đó Hà đã bắt đầu nung bệnh nhưng giấu không cho tôi biết. Tận cho đến khi bệnh tật đã đánh ngã hẳn và Hà đã buộc phải về quê thì tôi mới hay. Tôi về quê Hà thăm anh. Gặp nhau, nằm trên giường bệnh, Hà vẫn nói chuyện Thơ. Anh lôi từ dưới gối ra mấy bài đưa tôi đọc. Tôi mang về in cả cho Hà, dặn văn phòng làm tăng nhuận bút để gửi cho anh và không nói cho ai biết. Lần thứ hai, vào đầu năm 2004, tôi lại về thăm Hà thì sức anh đã yếu lắm. Khi biết tôi đã được kết nạp Hội nhà văn VN từ trước đó một năm, Hà cứ nắm lấy tay tôi mà lắc, không nói được nhưng nước mắt thì ứa ra. Cả hai chúng tôi cứ cầm lấy tay nhau mà khóc.

Tháng 6 năm 2004 thì Hà mất. Tôi được tin anh ra đi đúng dịp Hội VNNB tổ chức đại hội. Tôi bỏ dở cuộc hội nghị phóng về quê Hà vừa lúc linh cữu anh bắt đầu rời nhà. Đường quê khúc khuỷu gồ ghề. Những bụi tre gai buông vội lá để tiễn người thi sỹ đã có công đưa chúng vào những trang thơ đẹp. Đường từ nhà anh tới nghĩa địa xa nên người ta đưa Hà đi khá nhanh. Hay chính Hà làm nên vậy, anh muốn đi nhanh, thoát nhanh khỏi cõi trần ai buồn trẻ và cơ cực này để về với nơi mà ở đó chắc Nam Cao, Nguyến Bính, Đoàn văn Cừ và người bạn chí thiết của anh: Nguyễn Thế Kiểm đang giang rộng vòng tay đón anh.

Bây giờ, tháng sáu này đã là cái giỗ thứ 10 của Hà. Hà xa chúng tôi đã 10 năm vậy mà mỗi lần nhớ đến Hà tôi vẫn như thấy anh đang ngồi đó, trệu trạo nhai, trệu trạo nuốt, trệu trạo nghĩ và ghi thơ còn hồn anh thì đã thoát ra khỏi cái tấm thân gầy còm  kia mà bay lên. Và trên cao ấy, trên dải thiên hà mênh mông tinh tú, Hà của tôi đang thỏa sức giang tay mà “vục giăng sao âu yếm áp lên môi”.

                                              Sài Gòn, một ngày tháng 5/ 2013

95 năm trước, tại quê hương Thành nam thiên tài âm nhạc Đặng Thế Phong (1918-1942) ra đời

Dang The Phong.jpg Dangthephong1.jpg

Nhân dịp này kính mời quý vị thưởng thức 3 ca khúc tuyệt vời của Đặng Thế Phong tại đây , tại đây và tại đây

>> Đặng Thế Phong – NGƯỜI NHẠC SĨ TÀI HOA ĐẤT THÀNH NAM

Nhà văn Lê Lựu: Ngày 3 lưng cơm, 7 cữ thuốc

Nhà văn Lê Lựu: Ngày 3 lưng cơm, 7 cữ thuốc

Tác giả ‘Thời xa vắng’, ‘Sóng ở đáy sông’ đang sống những tháng ngày mà bữa thuốc nhiều hơn bữa cơm, chuyện buồn quá khứ nhiều hơn hy vọng.

Một ngày của Lê Lựu bắt đầu từ 5 – 6 giờ sáng. Bệnh tình khiến ông không ngủ được nên thức dậy sớm, rồi nhờ anh em, nhân viên trong cơ quan dìu dắt đi lại ngoài phố cho cứng chân. Khi chúng tôi đến nhà Lê Lựu khoảng 8 rưỡi sáng, ông đã hoàn thành bài tập đi và đã ăn sáng xong. Nhà văn nằm trên giường, có một bác sĩ quen đang chữa trị, nắn bóp chân tay cho ông. Lê Lựu bảo, mỗi ngày phải có người xoa bóp một tiếng, “không thì hai cái chân nó dính lấy nhau, không đi được”. Rồi ông kể: “Tôi bị tai biến mạch máu não, lần này là lần thứ năm, rồi bệnh tiểu đường, bệnh tim, bệnh gout, phổi, tụy, thận, tiền liệt tuyến… Tất cả là 14 bệnh”. Nhà văn cho biết, từ khoảng 2006, ông trở thành bệnh nhân thường xuyên của Viện quân y 108. Trong cái túi để ở đầu giường, đủ các thứ thuốc cho não, tim, thận… Mỗi ngày ông uống sáu, bảy đợt thuốc – sáng, chiều, tối – mỗi đợt lại uống hai loại cho các thứ bệnh khác nhau. Lê Lựu chữa Tây y, Đông y, Nam y, “có bệnh thì vái tứ phương, nghe ai mách gì thì tôi chữa nấy”.

Bữa thuốc, vì vậy, nhiều hơn bữa cơm trong cuộc sống thường nhật hiện tại của nhà văn. Mỗi ngày ông ăn ba bữa đều đặn để uống thuốc. Mỗi bữa được một lưng cơm. Đến thăm Lê Lựu trong những tháng ngày bệnh tật sẽ thấy hết sự đơn giản của một nhà văn nông dân. Bữa trưa của người bệnh có một tô canh rau dền, rau sống chấm nước sốt cà chua, bát cá kho và một bát cơm xới lưng. Ông lập cập ăn canh trước tiên, rồi đến rau sống, ăn hết từng thứ một rồi xếp bát không sang bên cạnh. Cơm và cá ông ăn sau cùng. Lê Lựu chan cơm với chút nước nước sốt còn lại chứ chưa vội ăn thức mặn. Mà để ăn hết lưng cơm, ông cũng chỉ xắn một chút trong bát cá kho.

DSC-2333-JPG-1367024948_500x0.jpg
Bữa cơm trưa của nhà văn Lê Lựu.

Bữa cơm, không phải cao sang, cũng không quá đạm bạc mà vừa chất. Lê Lựu cho biết, ông ăn theo chỉ dẫn của bác sĩ, ngon dở tùy vào tay của nhân viên bếp. Nhưng cái lối ăn dành ăn dè, rau cỏ trước còn miếng ngon thì phần về cuối, như Lê Lưu nói, là thói quen kiểu người nông dân không bỏ được của ông. Xong bữa, Lê Lựu bảo: “Tôi quê mùa dốt nát, cung cách nông dân quen rồi, trời cho thế nào thì sống thế ấy, không thể che giấu được. Bây giờ có lấy cuốc cuốc mặt tôi ra, đắp đất màu lên thì tôi cũng không ra cái con người sang trọng được”.

Nói thì vậy, nhưng khi phóng viên đưa ống kính lên, ông bảo: “Để vuốt lại cái tóc kẻo bù xù quá”. Khi một nhân viên định lấy chiếc áo mới cho ông thay, nhà văn khoát tay: “Áo mới mặc xấu lắm”. Ông chọn một chiếc áo cũ mà ông cho là đẹp hơn và cảm thấy tự tin hơn.

Chạy chữa khắp nơi, thuốc thang tốn kém nhưng Lê Lựu nói, ông chưa đến nỗi phải nệ chuyện kinh tế, ông chữa bệnh ở viện thì có bảo hiểm, tiền chữa trị tư khoảng vài triệu một tháng thì có lương hưu và bạn bè anh em hỗ trợ. Gian phòng của ông nằm ngay trong trụ sở của Trung tâm Văn hóa Doanh nhân ở cuối con ngõ 319 Tam Trinh, Hà Nội, chỗ ở cũng là nơi làm việc.

Sống quen với bệnh tật, Lê Lựu không ỷ lại hay chờ ai giúp. Lúc cần đi vệ sinh, ông loạng choạng tự đứng lên rồi bám lấy những thanh sắt được thiết kế riêng trong phòng mình. Những lúc không có người dắt đi bộ bên ngoài, Lê Lựu cũng tự tập đi với hệ thống thanh bám đó. Ông bảo, chẳng ai phải dành thời gian cho mình. “Đang ngồi cần đứng lên, tiện có ai thì người đó dắt, các cháu ăn cơm thì bảo nấu hộ cho tôi cùng ăn. Nhân viên hai chục người, đi ra đi vào, ai cũng có thể giúp”.

DSC-2210-JPG-1367024948_500x0.jpg
Nhà văn Lê Lựu bám tường tập đi.

Đi lại khó khăn nhưng đầu óc Lê Lựu vẫn còn tỉnh táo, minh mẫn. Ông vẫn chủ trì những cuộc họp của Trung tâm Văn hóa Doanh nhân, nơi ông thành lập và làm giám đốc từ năm 2002. Trong buổi họp, ông vẫn chăm chú nghe báo cáo, đánh giá rồi đưa ra định hướng bằng giọng khàn đặc trưng và đã có phần hơi ngọng vì bệnh tật.

Nhà văn vẫn làm việc nhưng thời gian này ông không viết văn. Lê Lựu khoe, từ năm 2010 đến nay, ông xuất bản 3 cuốn sách – “Thời loạn”, “Ở quê ngày ấy” và “Gã dở hơi”. Vừa qua đợt tai biến nên ông không viết sách, chỉ thi thoảng ngồi dậy cầm bút ghi chép một đôi điều. Hỏi ông định viết gì trong thời gian tới, nhà văn trả lời, nếu có viết, ông sẽ viết về bà vợ cũ.

Lê Lựu có hai người vợ – đều đã ‘cũ’ và đều để lại trong ông những nỗi oán giận đến bây giờ. Người vợ đầu ly hôn từ 40 năm trước. Người vợ sau ly thân nhiều năm nay và đang trong quá trình giải quyết ly hôn. Lần này, “vợ cũ” ông nói là bà vợ trước – người được gia đình sắp đặt cho Lê Lựu ở quê nhà Hưng Yên. Theo lời kể của nhà văn, ly hôn từ hơn 40 năm trước, rồi ông lên Hà Nội, người vợ ở quê đã âm thầm làm thủ tục đứng tên sổ đỏ ngôi nhà hương hỏa của ông, để đến giờ, ông muốn một chốn đi về thắp hương cho tổ tiên cũng khó. Trước nay, khi kể về người vợ này, Lê Lựu cứ ví với cô Tuyết – người vợ đầu của anh cu Sài trong tác phẩm “Thời xa vắng” nổi tiếng ông viết năm 1986. Người phụ nữ quê mùa, thô vụng, Giang Minh Sài không yêu nhưng cứ phải nhắm mắt sống chung vì sợ dư luận, sợ ảnh hưởng đến gia đình, đến thi đua cán bộ gương mẫu, để rồi kết quả là không bao giờ có được hạnh phúc, lận đận mãi mới có thể chia tay. “Cô Tuyết” thực của Lê Lựu, cũng bước ra khỏi cuộc đời ông, nhưng có lẽ để lại nhiều đau đớn hơn.

Không kể bệnh trên thân thể hay những lần tai biến, đây là cú giáng tinh thần mới nhất vào cuộc đời nhà văn nông dân. Cũng chính Lê Lựu, hai năm trước, từng ôm mặt khóc rưng rức, kể chuyện bị người vợ sau và con cái phụ tình. Họ sẵn sàng ký vào đơn từ bỏ ông, chỉ để có quyền bán ngôi nhà chung 50 m2 Lý Nam Đế mà ông xem như là kỷ niệm, Lê Lựu kể.

“Người như tôi, không đến nỗi hèn, mà suốt đời cứ bị vợ con chèn ép”. Những điều đó cứ thắc thỏm trở đi trở lại trong câu chuyện của nhà văn Lê Lựu, dù dường như ông không có ý định giải thích đến tận ngọn ngành vì sao mình bị đối xử như vậy. Hai chữ vợ con được ông nhắc đến với đầy nỗi đớn đau, chua chát. 76 tuổi, 14 thứ bệnh trên người, hai đời vợ, ba người con, nhưng giờ đây, trong căn phòng nhỏ, một mình ông, chỉ tuổi tác và bệnh tật là còn đeo bám. Ruột thịt quay lưng ngoảnh mặt. Cuối cùng ông đành nhờ những người không phải là máu mủ.

DSC-2228-JPG-1367024948_500x0.jpg
Tác giả “Thời xa vắng” bên chiếc bàn viết lách trong phòng nhỏ của mình.

Lê Lựu là cha đẻ của nhiều nhân vật luôn đau khổ, bất hạnh trên hành trình tìm kiếm hạnh phúc cá nhân. “Thằng Núi trong Sóng ở đáy sông cũng đi tìm được chỗ đứng của nó, đến thằng Sài trong Thời xa vắng nó khốn khổ như thế mà cũng chưa khổ bằng tôi. Tôi đúng là bố của chúng nó về nhục nhã, mất mát”.

Tự đánh giá về cuộc đời mình, ông nói: “Tôi chỉ là cái gã hạng xoàng, xuất thân từ một anh chân đất mắt toét, đánh dặm mò cua bắt ốc, giờ trở thành nhà văn, cán bộ cao cấp trong quân đội, đó là thứ trời cho, may mắn lắm rồi”. Lê Lựu còn tự hào khi trong đời viết văn của mình, ông từng là nhà văn đầu tiên của Việt Nam được mời sang Mỹ thời kỳ hậu chiến để “bắc nhịp cầu văn hóa”, vậy công danh cũng chẳng phải chuyện khiến ông đau đáu đến cuối đời. Rốt cuộc, ông mong mỏi điều gì? – “Tôi chỉ mong được về mảnh đất tổ tiên, ăn rau cỏ ở mảnh đất của tôi, trồng rau cuốc đất, sống như người nông dân”. Vốn dĩ, con người ta, đi mải miết, trải bao sóng gió rồi cũng muốn quay về quê hương, nguồn cội. Lê Lựu đến cuối đời vẫn đang đấu tranh cho sự trở về của mình.

NGUỒN

Hoàng Anh
Ảnh: Hoàng Hà
Clip: Thanh Tùng

HẢI NHƯ: VĂN CHƯƠNG ƯU THỜI VÀ VĂN CHƯƠNG XU THỜI

HẢI NHƯ: VĂN CHƯƠNG ƯU THỜI VÀ VĂN CHƯƠNG XU THỜI

(đọc “CÓ HAI DÒNG VĂN CHƯƠNG”1)

Trần Huy Thuận

 

          Xuất phát từ nhận định: “Mỗi con người là một vũ trụ riêng” (Emerson, triết gia Mỹ), nhà thơ Hải Như thường tự nhủ rằng: “Văn học là khoa học khám phá LÒNG NGƯỜI” – ông viết: “Con người ngày càng làm chủ kỹ thuật hiện đại nhưng mãi mãi không làm chủ được lòng mình1. Và ngay từ khi bước sang tuổi ngoài “thất thập”, ông đã tâm sự: “Người làm văn học – các nhà văn, nhà thơ có sứ mạng cao quý giúp con người nhận diện được mình qua những trang sách, giúp con người tự vấn lương tâm, thanh lọc mình1. Ông còn quan niệm rằng “Văn học mang tính độc lập và đòi hỏi độc lập cao… Người làm văn học phải dám là mình với niềm tự tin cao1. Đầu xuân năm nay, trả lời phỏng vấn vietnamnet.vn, Hải Như đã nói: “Làm thơ, viết văn là sáng tác ra tác phẩm nói lên những vấn đề của con người gắn với thời cuộc, thời đại. Người cầm bút cần phải có năng lực dự báo, là cánh chim báo bão, là người đi đầu phản biện góp phần cho sự phát triển các giá trị Chân-Thiện-Mỹ trong xã hội; đem hồn thơ làm thắm đượm hồn người, thơ không nên chỉ lo phục vụ chính trị, mà phải “văn dĩ tải đạo”( http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/tuanvietnam/108450/nha-van–xin-dung-tu-troi-buoc-minh.html)

Khi tranh luận với Nguyễn Khắc Phê (nhân đọc bài của nhà văn này “Không nên tự trói buộc mình” trên tờ Văn Nghệ 23/6/2007), Hải Như đã  dẫn chuyện nhà chí sĩ Nguyễn Thượng Hiền, một người nổi tiếng thời Đông Kinh Nghĩa Thục: “Đã mượn lúc say tự tay lấy tập thơ của mình ra châm lửa đốt”. Giải thích cho việc làm đó, Nguyễn Thượng Hiền nói: “Thơ ta trau chuốt bởi hám danh / Say đốt quách đi dạ chẳng đành / Chưa dễ về sau lừa kẻ khác / Mà còn giữ mãi mệt thân mình” và Hải Như khẳng định: mọi thời đều có hai dòng văn chương song hành, đó là dòng văn chương ưu thời dòng văn chương xu thời. Nhà thơ cho rằng ngay trong một nhà văn, nhà thơ, cũng có khi phân thân, lúc xu thời, lúc ưu thời, như trường hợp Chế Lan Viên, khi cuối đời nhà thơ này đã viết:

… Mậu Thân hai ngàn người xuống đồng bằng

Chỉ một đêm còn sống có ba mươi

Ai chịu trách nhiệm về cái chết hai ngàn người đó?

Tôi – người làm những câu thơ cổ võ

Ca tụng người không tiếc mạng mình trong mọi cuộc xung phong…

          Quan niệm trên của Hải Như, nhất quán trong hầu hết các phát biểu cũng như bài viết của ông. 

Trong bài “Chỉ có một nhà văn2 nhà thơ Hải Như đã vạch trần một thực tế của hội Nhà văn Việt Nam, đó là vấn đề HỘI VIÊN. Ông viết: “Có thể nói chưa có nền văn học nào có nhiều phân biệt như nền văn học chúng ta. Chúng ta có nhà văn địa phương, nhà văn trung ương, nhà văn trong đảng, nhà văn ngoài đảng, nhà văn hội viên, nhà văn chưa hội viên, nhà văn ban chấp hành, nhà văn ban thư ký… Có nghĩa là muốn được công nhận (đồng nghĩa với được đứng trong biên chế hưởng đặc quyền đặc lợi). Trở thành một hội viên hội nhà văn Việt Nam hôm nay, người cầm bút phải phấn đấu từng mức thang trong mục tiêu, mà quên một mục tiêu duy nhất để trở thành nhà văn, đó là TÁC PHẨM – Không ít nhà văn hội viên chúng ta chưa có tác phẩm. Ở đây chúng ta đừng lẫn lộn giữa đầu sách được in với tác phẩm văn học”. Ông nhấn mạnh: “Nói đến nhà văn là phải nói đến độc giả. Độc giả không chỉ một thời mà độc giả lâu dài do sức bền của tác phẩm nhà văn tạo nên”. Và (nhà văn) hãy “Bằng vào tác phẩm, làm giấy thông hành cho mình”.

Trong bài thơ “TRẢ LỜI BẠN ĐỌC”, Hải Như đã thẳng băng:

Trên báo Văn Nghệ khi điểm các nhà thơ thế hệ chống Pháp
Không thấy nhắc tên Hải Như
Trên báo Văn Nghệ khi điểm các nhà thơ chống Mỹ
– cũng không thấy!
Xin cho hỏi nhỏ: Tại sao vậy?
– Tại nhà thơ bạn mến mộ không nằm trong Dàn Đồng Ca…
(Sài Gòn, tháng 5 – 2003)

          Trong Đề cương kịch bản Trương Chi – tiếng hát bị nhốt”, Hải Như đã có một tuyên bố rất mạnh, rằng “Khi người nghệ sĩ mang tài năng và nghệ thuật của mình phục vụ nhà cầm quyền thì nghệ thuật đó trở thành công cụ của nhà cầm quyền. Nghệ thuật dần dần bị “cung đình hóa”3.

          Trước sau, Hải Như luôn khẳng định: “Đề tài của nhà thơ, nhà văn phải là đề tài có tính nhân loại, cái mà nhân loại quan tâm. Con người thuộc mọi dân tộc, mọi mầu da, mọi thời đại đều yêu cái đẹp, cái thật và ghét cái xấu, cái ác – đều hướng về chân-thiện-mỹ. Chức năng của văn học là làm thức tỉnh con người trở lại “chân thân”. Đối tượng của văn học là con người, không phân biệt đức vua với lê dân. Đức vua cũng cần được nhà thơ, nhà văn thức tỉnh như một người cùng dân4. Một lần tôi được nhà thơ tâm sự: w.withman ( nhà thơ Mỹ:1819 -1892)có nói: ai xúc phạm con người là xúc phạm chính Tôi. Tôi tự hỏi, không biết có bao nhiêu người cầm bút chúng ta đã nghĩ và nói được như thế?!.

          “Nhà thơ không chỉ là pháp sư ngôn ngữ mà phải là nhà tư tưởng. Người làm thơ phải ý thức được quyền lực thơ ca và quyền uy thi sĩ”. Hải Như khẳng định.

          Ngay trong bài thơ TỰ BẠCH (viết năm 1978), Hải Như đã trải lòng:

Thơ của anh viết ra không để cho người lười suy nghĩ đọc

Anh không thuộc dòng thù tac – sân chơi

Nhiệm vụ thơ ca với anh phải có ích cho đời

Em xem đó con người vẫn còn bị con người xúc phạm

Trong bài thơ viết sau đó hai năm, bài MỘT TRĂM NĂM SAU, Hải Như thêm một lần khẳng định quan điểm của mình:

Nhưng không phải ai cũng nhân danh nhà thơ em nhỉ

Tiêu chuẩn nhà thơ: Bênh vực con người”.

          Do “bênh vực con người”, nên:

Mọi người sinh ra đều sống một lần. Riêng nhà thơ hai lần được sống

Lần thứ hai không giới hạn trăm năm” (trích Thơ: “Trò chuyện với Kỳ Anh” – con trai nhà thơ Hải Như)

Trong suốt cuộc đời làm thơ của Hải Như, ông là bạn bè thân thiết của rất nhiều thế hệ nhà thơ, nhà văn, nghệ sĩ, trí thức như nhà viết chèo Tào Mạt, nhà thơ Quang Dũng, nhạc sĩ Văn Cao, học giả Đào Duy Anh, nhà nhiếp ảnh Võ An Ninh, KTS Nguyển Cao Luyện, nhà báo Phùng bảo Thạch, hòa thượng Thích Đức Nghiệp…Hải Như cũng là bạn thân của khá nhiều chính khách như Phan Điền, Đoàn Duy Thành, Hoàng Tùng, đặc biệt là Trần Xuân Bách. Ngay cả thời gian ông Bách bị “quản thúc lỏng” cho đến khi được “phục hồi”, năm nào vợ chồng Hải Như cũng ghé thăm nhà, ngược lại, vợ chồng ông Bách cũng nhiều lần đến thăm gia đình Hải Như. Đó tuyệt nhiên chỉ là những mối quan hệ trong sáng, giữa con người với con người! Ông được mệnh danh là nhà thơ có nhiều bài thơ viết về Hồ Chí Minh, nhưng cách viết của ông là cách viết rất riêng, không hề lẫn với nhiều nhà thơ khác. Ông tâm sự: “tôi đề ra cho mình phương châm: Không thần thánh hóa mà người hóa Bác Hồ”. Để chứng minh quan điểm ấy, ngay từ năm 1990, nhân kỉ niệm 100 năm ngày sinh của Hồ Chí Minh,  Hải Như đã có bài viết nhan đề “Bác Hồ cũng có những hạn chế – tại sao không?5. Bản thân Hải Như là nhà thơ chiến sĩ (ông tham gia quân đội từ năm 1946), có hàng trăm bài đăng trên báo Nhân Dân; em và con trai ông là liệt sĩ trong hai cuộc kháng chiến của dân tộc. Vậy mà chưa bao giờ ông nghĩ mình phải đừng trong hàng ngũ của đảng. Có lần một chính khách thân thiết đã đem điều đó hỏi ông, ông trả lời: Tôi muốn mình như một gián quan, một nhà thơ gián quan!   

***

          Hải Như là nhà thơ dịch chuyển, hay đi đây đi đó. Ông để lại dấu ấn tình nghĩa với rất nhiều địa phương ông ghé qua bằng những vần thơ say đắm được rất nhiều nhạc sĩ tiếng tăm phổ nhạc: Từ “Thành phố hoa Phượng đỏ”, đến “Thành phố tiếng thoi”; từ “Hà Nội thành phố của niềm tin” đến “Hà Nội hôm nay, Hà Nội ngày mai”; từ “Ninh Bình điểm hẹn” đến “Khúc tình ca Bình Định”; từ “Nụ cười Đà Lạt” đến “Gửi Phan Thiết”; từ “Hát từ bán đảo Phương Mai” đến “Sông Hàn nước vẫn xanh”… Năm nay Hải như bước qua tuổi 90, sức khỏe nhà thơ có phần giảm sút, nhưng sức sống, sức sáng tạo và tình yêu đất nước, con người trong ông thì như vẫn tràn đầy. Ông vẫn sáng tác, vẫn trả lời phỏng vấn, vẫn đọc văn chương của bạn bè, của cả thế hệ sau ông. Ông không hề có tư tưởng ngơi nghỉ, dưỡng già. Gần đây thấy tôi mắc bệnh trọng, ông vẫn thường xuyên gọi điện động viên: “gắng vượt qua nhé, chúng ta còn phải tiếp tục sống, chưa thể buông tay bút được”.

          Tôi quý trọng tài thơ của Hải Như, trước hết là quý trọng tấm lòng của ông với CON NGƯỜI, đặc biệt là lớp người cùng đinh. Và đó chính là những gì tôi nhận ra khi được tiếp xúc ông và sau khi đọc tập “CÓ HAI DÒNG VĂN CHƯƠNG” của nhà thơ./.

Nam Định, 26/3/2013

THT

————— 

  1. 1.     “CÓ HAI DÒNG VĂN CHƯƠNG” – Hải Như. NXB Trẻ 2009.
  2. 2.     Sách đã dẫn, trang 176-179.
  3. 3.     Sách đã dẫn, trang 180.
  4. 4.     Sách đã dẫn, trang 134.
  5. 5.     Sách đã dẫn, trang 166.

   

ĐỌC “CHÂN QUÊ” CỦA NGUYỄN BÍNH

Kỷ niệm 95 năm ngày sinh thi sĩ Nguyễn Bính (1918 – 2013)

ĐỌC “CHÂN QUÊ” CỦA NGUYỄN BÍNH 

TRẦN MỸ GIỐNG

Trong phong trào thơ mới 1930 – 1945, Nguyễn Bính có một vị trí riêng. Thơ ông vừa hiện đại, vừa truyền thống, mà thơ hiện đại rất hay, nhưng thơ truyền thống vẫn là nổi trội. Cùng viết về đồng quê, nhưng Đoàn Văn Cừ, Bàng Bá Lân, Anh Thơ… thiên về mô tả các bức tranh quê chân thực, còn Nguyễn Bính lại đi sâu diễn tả cái tình quê thấm đẫm hồn quê.

Chân quê là một bài thơ tiêu biểu về cái hồn quê của Nguyễn Bính. Có thể coi Chân quê là một tuyên ngôn sống, tuyên ngôn nghệ thuật của ông. Xuyên suốt quá trình sáng tác của mình, ông đã trung thành với tuyên ngôn đó.

Hôm qua em đi tỉnh về
Đợi em ở mãi con đê đầu làng
Khăn nhung quần lĩnh rộn ràng
áo cài khuy bấm, em làm khổ tôi
Nào đâu cái yếm lụa sồi?
Cái dây lưng đũi nhuộm hồi sang xuân?
Nào đâu cái áo tứ thân?
Cái khăn mỏ quạ, cái quần nái đen?
Nói ra sợ mất lòng em
Van em em hãy giữ nguyên quê mùa
Như hôm em đi lễ chùa
Cứ ăn mặc thế cho vừa lòng anh
Hoa chanh nở giữa vườn chanh
Thày u mình với chúng mình chân quê
Hôm qua em đi tỉnh về
Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều.

Đọc bài thơ, hình ảnh chàng trai đứng trước bi kịch muốn níu giữ vẻ đẹp chân quê ở người yêu đi tỉnh về bị ảnh hưởng của lối sống phương Tây xa lạ mà không được, cứ ám ảnh người đọc khôn nguôi. Tình yêu của trai gái quê vốn dản dị, gắn bó với những truyền thống thôn quê, từ lời ăn tiếng nói đến cách ăn mặc, lối sống của người quê. Người yêu đi tỉnh chơi, chàng trai bồn chồn mong đợi, chàng ra tận con đê đầu làng đón người yêu. Con đê là vật bảo vệ xóm làng, cũng là nơi diễn ra các sinh hoạt của dân quê, là hình ảnh quen thuộc của thôn quê. Tâm trạng mong đợi, bồn chồn của chàng trai trong khung cảnh làng quê được nhấn mạnh ở từ “Đợi” và “mãi” :

Hôm qua em đi tỉnh về
Đợi em ở mãi con đê đầu làng

Nhưng chàng bất ngờ, ngỡ ngàng về sự thay đổi trong cách ăn mặc của cô gái. Trước mắt chàng, người yêu trở thành như người xa lạ:

Khăn nhung quần lĩnh rộn ràng
áo cài khuy bấm, em làm khổ tôi

Khăn nhung, quần lĩnh, áo cài khuy bấm là những thứ xa lạ với thôn quê. Những sản phẩm của thành thị, đặc biệt cái khuy bấm bé nhỏ được sản xuất bằng máy móc tiêu biểu cho cách trang phục – lối sống thị thành, giữa khung cảnh làng quê bỗng trở nên xa lạ, kệch kỡm trước mắt chàng trai. Tuy vậy, đó cũng mới chỉ là sự thay đổi bên ngoài, cái đáng sợ hơn là sự thay đổi bên trong tâm hồn cô gái quê. Chỉ với từ rộn ràng, Nguyễn Bính đã thể hiện hết sức rõ ràng sự thay đổi không chỉ ở tiếng sột soạt của “khăn nhung, quần lĩnh” mà còn là sự thay đổi về mặt tinh thần của cô gái. Từ rộn ràng gợi cho người đọc hình ảnh cô gái đang sung sướng, hí hởn, thích thú với trang phục mới lạ của mình. Chính cái sự thay đổi bên trong của người yêu làm chàng trai đau khổ. Cố nén lòng mình, chàng vẫn không thể dấu được thái độ trách móc người yêu, dù là trách móc nhẹ nhàng. “áo cài khuy bấm, em làm khổ tôi” là lời than của chàng trai, cũng có thể hiểu là lời trách nhẹ nhàng đối với người yêu. Thường những người yêu nhau tự xưng với nhau là “em” và “anh”. Chàng trai dùng đại từ nhân xưng “tôi” với người yêu đã thể hiện rõ ý trách móc của mình. Chàng trai còn thể hiện sự trách móc, xót xa, đau khổ trước sự thay đổi của người yêu và sự nuối tiếc những nét đẹp thôn quê qua một “xeri” câu hỏi “Nào đâu”:

Nào đâu cái yếm lụa sồi?
Cái dây lưng đũi nhuộm hồi sang xuân?
Nào đâu cái áo tứ thân?
Cái khăn mỏ quạ, cái quần nái đen?

Chàng trai đã dùng yếm lụa sồi, dây lưng đũi, áo tứ thân, khăn mỏ quạ, quần nái đen là những sản phẩm quen thuộc đặc trưng cho thôn quê để đối trọng lại những khăn nhung, quần lĩnh, áo cài khuy bấm là những trang phục biểu trưng của thành thị. Chàng trai cố níu giữ nét quê dù biết không thể được. Cái khuy bấm, cái khăn nhung, cái quần lĩnh nào có tội tình gì. Cái đáng trách là người dùng nó không phù hợp với hoàn cảnh. Một cô “tân thời” giữa những người dân quê dản dị không những không hoà đồng mà còn trở nên xa lạ, khó chấp nhận trước mắt dân quê, nhất là khi cô “tân thời” đó vốn là cô gái chân quê. Nhận thức rõ được điều đó, chàng bèn thay đổi thái độ, ứng xử phù hợp với thực tế. Từ xưng “tôi”, chàng trở lại xưng “anh” với người yêu. Điều đó đã thể hiện rõ quá trình “xuống thang” của chàng trai:

Nói ra sợ mất lòng em
Van em em hãy giữ nguyên quê mùa
Như hôm em đi lễ chùa
Cứ ăn mặc thế cho vừa lòng anh

Câu “Như hôm em đi lễ chùa” dùng nhiều thanh bằng, đặc biệt từ “đi” – từ thứ tư câu lục thường là thanh trắc thì tác giả lại dùng thanh bằng, làm sắc thái tình cảm thay đổi rõ rệt, từ trách móc xuống van xin. Theo luật thơ lục bát, từ thứ tư câu lục và từ thứ tư câu bát luôn phải là thanh trắc và phải niêm với nhau. ở câu thơ này Nguyễn Bính lại dùng thanh bằng (chính xác là “thanh ngang”), nhưng khi đọc ta thấy nó rất tự nhiên và thú vị. Bằng bốn “thanh ngang”, một thanh bằng và một thanh trắc, Nguyễn Bính đã giữ cho câu thơ đảm bảo luật cân bằng thanh một cách tài tình, đem đến cho bạn đọc cảm xúc thẩm mỹ rõ rệt. Đó là sự kết hợp hài hoà giữa thể thơ truyền thống và thơ mới, một sự phá cách – biến thể có hiệu quả cao.

Cách nói của chàng trai qua đoạn thơ này thật nhẹ nhàng, dè dặt, ý tứ, tế nhị, bộc lộ tình yêu tha thiết đến tội nghiệp, chân thành mộc mạc mà thấm thía của mình đối với người yêu. Cách nói ấy rất gần gũi với cách nói của ca dao.

Không dừng lại ở van xin người yêu hãy chiều mình, chàng trai còn nhắc nhở, khuyên nhủ người yêu hãy giữ lấy những truyền thống tốt đẹp, giữ lấy cái gốc nhân bản của quê hương mà cha ông đã tạo dựng lên:

Hoa chanh nở giữa vườn chanh
Thày u mình với chúng mình chân quê.

Truyền thống tốt đẹp lâu đời, đạo lý dân tộc mà chàng trai viện dẫn để khuyên nhủ người yêu thật có sức thuyết phục đối với người xứ quê. “Hoa chanh nở giữa vườn chanh” là cách nói ẩn dụ, nhưng cũng thể hiện một quy luật tự nhiên khẳng định “Thày u mình với chúng mình chân quê”. Lối nói ấy gửi gắm thông điệp hãy biết quý trọng và gìn giữ truyền thống của cha ông, đừng để bị cám dỗ bởi lối sống xa lạ với dân tộc.

Bài thơ khép lại bằng hai câu:

Hôm qua em đi tỉnh về
Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều.

“Hôm qua” được láy lại nhấn mạnh chuyện đổi thay của cô gái đã là chuyện quá khứ, nhưng quá khứ ấy chưa xa, sự đổi thay đó diễn ra chỉ một lần đi tỉnh về càng làm chàng trai chua xót, đau khổ. “Hôm qua” ở đầu bài thơ là tâm trạng phấn khởi, háo hức, phấp phỏng mong đợi người yêu với tình cảm thiết tha, êm ấm. “Hôm qua” ở cuối bài lại là sự chua xót, đau khổ, nuối tiếc “Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều” ở người yêu. Hình ảnh ẩn dụ “Hương đồng gió nội” thể hiện cái tình quê, hồn quê khá sắc nét, là một cảm xúc tiêu biểu trong hồn thơ Nguyễn Bính.

Bài thơ chất chứa niềm lo âu, băn khoăn, day dứt và dự cảm về những đổi thay nhanh chóng đến đáng sợ của những gì vốn mang đậm bản sắc quê hương, dân tộc. Cả bài thơ được cấu tạo theo nhịp đi 2/2 đều đều, nhịp nhàng, dàn trải thể hiện các cung bậc tình cảm khác nhau mà thuỷ chung, thì câu “Thày u mình với chúng mình chân quê” bỗng đổi nhịp 3/3/2 giống như một sự “đảo phách” đã tạo lên hiệu quả có sức nặng khẳng định truyền thống tốt đẹp của dân quê. Hãy giữ gìn những truyền thống tốt đẹp của cha ông, dân tộc là lời nhắn gửi của tác giả qua bài Chân quê, đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

TMG

Nguồn: Thi sĩ Nguyễn Bính Hồn thơ Việt / Bộ môn nghiên cứu phê bình. – Nam Định : Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Nam Định, 2008. – Tr. 52 – 57.